Quỹ tiền tệ quốc tế IMF mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, tăng 1 điểm % so với dự báo được đưa ra ba tháng trước đó. IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2023 của Việt Nam 0,5 điểm % xuống còn 6,7%, nhưng đó vẫn là con số khởi sắc so với triển vọng mờ nhạt ở những nơi khác và sẽ là mức tăng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.
Theo IMF, áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Kinh tế Việt Nam cũng gặp phải những trở ngại do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Sự suy giảm này sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Việt Nam đang siết chặt các quy định tài chính khi Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc này làm tăng chi phí tài chính và có thể khiến dòng vốn chảy ra ngoài.
Ngoài ra, bất ổn về thương mại toàn cầu và thị trường tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, đặc biệt nếu một số ngành không thể tiếp cận hàng hóa trung gian cần thiết do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Điều đó có thể làm giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm chậm tốc độ tăng trưởng sản xuất và công nghệ.
Sáng 6/9, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã nâng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ Ba3 (triển vọng tích cực) lên Ba2 (triển vọng ổn định). Có hai yếu tố quan trọng trong việc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2.
Thứ nhất là sức mạnh kinh tế thể hiện ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và khả năng chống chọi của nền kinh tế trước cú sốc từ bên ngoài của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua tốt hơn hẳn các nước đồng hạng.
Thứ hai là nền tảng về chính sách tài khóa, Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, bội chi được giảm xuống, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công hiệu quả, chi phí đi vay đang thấp xuống. Viêt Nam cũng đang chuyển dần từ vay nước ngoài là chính sang vay trong nước là chính.
Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó sẽ giúp thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài ngày càng lớn với chi phí huy động rẻ hơn để tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức 7,5% so với mức 2,1% năm ngoái. Các chuyên gia của WB cho biết, bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên lộ trình phục hồi. Trong 6 tháng qua, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam của tăng tốc nhờ khu vực chế tạo, chế biến vững vàng và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ.
Nikkei cũng xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về Chỉ số phục hồi COVID-19 (tăng 12 hạng so với tháng trước). Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei đánh giá các quốc gia và khu vực về quản lý lây nhiễm, triển khai vaccine và di động xã hội. Xếp hạng càng cao, quốc gia hoặc khu vực đó càng gần với khả năng phục hồi, với đặc trưng là tỉ lệ lây nhiễm và tử vong thấp hơn, phạm vi tiêm chủng rộng hơn và ít hạn chế hơn trong việc di chuyển.
Châu An
Link nội dung: https://pld.net.vn/viet-nam-duoc-danh-gia-cao-ve-trien-vong-phat-trien-kinh-te-a8604.html