Giám đốc tài chính Andrew Lim của Capital Land Investment cho biết công ty này đang hành động một cách “cẩn thận, kiên nhẫn và thận trọng như những gì mà nhiều quỹ đầu tư bất động sản khác đang làm”. Lợi nhuận của CLI đã giảm 38% xuống còn 316 triệu USD trong nửa đầu năm nay do giảm tốc độ “tái chế vốn” (sử dụng tiền thu được từ việc bán tài sản hiện có để mua tài sản mới) để đề phòng suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Có rất nhiều điều không chắc chắn đang diễn ra. Nhiều quốc gia đã phải tăng lãi suất để ngăn lạm phát cũng như mất cân bằng cung - cầu hàng hóa do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Hiện tượng này đã không xảy ra trong một thời gian dài”.
“Tôi nghĩ rằng nhiều nhà quản lý vốn và bất động sản đang rất cẩn trọng trước các quyết định triển khai vốn và bảo lãnh lợi nhuận. Bởi vì chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế vĩ mô trong vòng 6 đến 12 tháng tới”.
Một tín hiệu suy thoái?
Các chuyên gia kinh tế cho biết, việc nhà đầu tư hạn chế triển khai vốn cho các khoản đầu tư mới là một dấu hiệu cảnh báo suy thoái.
Trong một báo cáo vào tháng trước, Oxford Economics cho biết việc suy giảm khối lượng đầu tư thường là “động lực chính” của suy thoái.
Nhà kinh tế học Adam Slater của Oxford Economics cho biết: “Trong các giai đoạn suy thoái kể từ những năm 1980, khoảng một nửa mức sụt giảm GDP của các nước G7 trong các quý có tăng trưởng âm là do khối lượng đầu tư sụt giảm, mặc dù chúng chỉ chiếm trung bình từ 20% đến 22% GDP”.
“Do đó, các xu hướng đầu tư trong ngắn hạn có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng cho thấy những lo ngại hiện tại của giới đầu tư về nguy cơ suy thoái toàn cầu. Việc đóng băng đầu tư trong những quý tới là một rủi ro đáng kể cho thị trường”, Slater nói.
Mặc dù một vài chỉ số cho thấy hoạt động đầu tư bất động sản ở Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản vẫn mạnh mẽ, nhưng tâm lý mở rộng đầu tư trong tương lai ở những quốc gia này đã suy yếu. Đồng thời, triển vọng đầu tư vào các thị trường khác như Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc cũng giảm sút.
Các chỉ số thể hiện mong muốn đầu tư, chẳng hạn như sức mạnh của thị trường chứng khoán, tính thanh khoản của doanh nghiệp và lợi nhuận, cho thấy “sự đóng băng đầu tư vào các quốc gia G7 vào cuối năm nay rất dễ xảy ra”.
Tuy nhiên, dù phải đối mặt với sụt giảm trong ngắn hạn, thị trường bất động sảnvẫn có thể tránh được suy thoái trong dài hạn.
Slater nói: “Đầu tư có thể bị ảnh hưởng (ít nhất là trong một thời gian nhất định) do sự tồn đọng số lượng dự án đang khát vốn và nguồn vốn có thể triển khai”.
Thị trường Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, dù doanh thu từ bất động sản không tốt như trước - đặc biệt là sau các đợt đóng cửa do đại dịch tại các thành phố lớn như Thượng Hải trong quý 2 năm nay - nhiều quỹ đầu tư vẫn cam kết mở rộng sự hiện diện tại thị trường này.
Các quỹ đầu tư bất động sản hàng đầu châu Á sẽ tiếp tục duy trì một danh mục đáng kể tại Trung Quốc. Một mặt là bởi đây là thị trường lớn nhất châu Á, mặt khác là vì triển vọng dài hạn của quốc gia này khi trở lại trạng thái bình thường sau khi đại dịch được kiểm soát.
Link nội dung: https://pld.net.vn/cac-quy-dau-tu-bat-dong-san-than-trong-do-lo-ngai-suy-thoai-kinh-te-toan-cau-a8658.html