Lòng tin quyết định sự phát triển thị trường TPDN
Sau động thái của Chính phủ và Bộ Tài chính kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp), thị trường trái phiếu giảm sút rõ rệt.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế.
Bên cạnh đó, trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng…, cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, mặc dù doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi nhưng sự hồi phục còn rất gian nan. Bên cạnh vấn đề khó khăn hậu đại dịch, vấn đề vốn cũng cần quan tâm. Doanh nghiệp đang rất cần tiếp sức nguồn vốn nhưng hiện các van của nguồn vốn đang gặp nhiều ách tắc. “Nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng”, ông Lộc nói.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới room cho các ngân hàng nhưng chúng ta đang đứng trước sức ép của lạm phát nên du di cho nới room sẽ không nhiều. Chính vì vậy nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng đang hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển nên thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, trái phiếu…
"Có thể thấy ở các nước kênh vốn chủ yếu đến từ thị trường vốn nhưng tại Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Thị trường vốn Việt Nam có sự phát triển khá mạnh trong 5 năm gần đây nhưng vẫn còn non trẻ. Nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam. Cần phải làm sao để nguồn vốn của người dân trực tiếp tham gia vào quá trình huy động vốn chứ không phải qua kênh tiết kiệm ngân hàng", ông Lộc chia sẻ thêm.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang đa dạng hóa các nguồn vốn trong đó có qua kênh chứng khoán và trái phiếu. Thực tế đã có những ví dụ thành công nhưng việc huy động vốn qua các kênh này vẫn gặp khó khăn.
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những “mạch máu” quan trọng của nền kinh tế, tương tự như tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường này chưa nhận được sự quan tâm tương xứng.
Cụ thể, ông Nghĩa dẫn số liệu tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng số vốn trung và dài hạn do hệ thống ngân hàng cung ứng (khoảng 5 triệu tỷ đồng).
Những năm qua, thị trường trái phiếu tăng trưởng khoảng 30-35% mỗi năm. Nếu tốc độ tăng trưởng này vẫn được duy trì thì 6 năm nữa, tổng quy mô thị trường sẽ tăng lên 11,2 triệu tỷ đồng và có thể gánh được nguồn vốn trung và dài hạn mà hệ thống các tổ chức tín dụng đang phải gánh.
“Đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành. Tức là khi xảy ra trường hợp sai phạm thì nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu phải được phát triển với tâm thế xem nó là “máu” của nền kinh tế nhưng thực tại lại không phải vậy”, ông Nghĩa lưu ý và cho rằng thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, qua đó đưa ra được quyết định đầu tư theo khẩu vị rủi ro.
“Niềm tin và trách nhiệm là 2 từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, rủi ro, ứng xử với thị trường lên bờ xuống ruộng. Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của dân chúng vững chắc”, ông Nghĩa nói.
Cần xây dựng các công cụ xử lý rủi ro
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng thông thường có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế sẽ ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.
Còn cách tiếp cận mới là xây dựng niềm tin và các công cụ xử lý rủi ro. Do mỗi nhà đầu tư có đánh giá khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau. Từ đó, cần có các công cụ xử lý rủi ro khác nhau.
“Công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, chúng ta xây dựng những định chế, đảm bảo rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… Thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm trên, TS. Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Thùy Nguyễn
Link nội dung: https://pld.net.vn/niem-tin-va-trach-nhiem-phai-song-hanh-voi-su-phat-trien-cua-thi-truong-tpdn-a8817.html