Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gần gũi với người dân TP. Hồ Chí Minh

Trong Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có đề cập nội dung “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân Thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người Thành phố mang tên Bác. Huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Như vậy, kế hoạch xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mới được Đại hội lần thứ XI Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, đây là vấn đề mới nên cần có những đóng góp, những ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân… để khi hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ có giá trị, sức lan tỏa rộng.

147e024fe8642c3a7575-1663340388-1663423657.jpg
Ảnh tư liệu

Không gian văn hóa theo nghĩa phổ biến chính là những khu vực, môi trường có các hoạt động văn hóa hoặc gắn với văn hóa như không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa kiến trúc, không gian văn hóa du lịch, thương mại, không gian văn hóa cồng chiêng…,

Về khái niệm không gian văn hóa Hồ Chí Minh do đây là vấn đề mới, xuất phát từ tình cảm kính trọng sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nhân dân Nam bộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên chưa thể có khái niêm tròn trịa, nhưng ở khía cạnh chủ quan, cũng như tham khảo các bài viết, những lần phát biểu của lãnh đạo Thành phố thì rõ ràng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam, vừa làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi, sinh động. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM sẽ góp phần làm cho mỗi người dân Thành phố tiếp thu và phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam hiệu quả hơn theo tinh thần và tấm gương Hồ Chí Minh. 

Như chúng ta đã biết, năm 1946 - khi Quốc hội tín nhiệm bầu Bác Hồ là Chủ tịch nước - Bác đã trả lời các nhà báo: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận".

Từ khi còn là học sinh Trường Quốc học Huế cho đến suốt những năm hoạt động cách mạng, Người căm ghét thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí, quan liêu, móc ngoặc, tham nhũng... vì nó "là kẻ thù của Nhân dân, của dân tộc, của Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta, nó là giặc nội xâm để làm hỏng công việc của ta. Người dạy: "Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của Nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho Nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ".

Trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên rằng: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Đảng coi việc "làm đầy tớ" của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là trách nhiệm, là vinh dự và niềm hạnh phúc.

Bác Hồ từng nói: Chúng ta có trọng dân, yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Tôn trọng và tin tưởng Nhân dân là tôn trọng và tin tưởng những người làm ra lịch sử, những người sáng tạo ra của cải, vật chất, những người được sánh với Trời, Đất: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân", "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng...", "Cán bộ, đảng viên là người đầy tớ trung thành của Nhân dân..." là một tư tưởng lớn của Bác Hồ về trọng dân xuyên suốt từ ngày thành lập Đảng đến nay.

Tư tưởng yêu nước, thương dân, trọng dân, suốt đời vì cách mạng, vì Nhân dân mà hy sinh phấn đấu, không ham danh lợi, với một lối sống chân thực, giản dị, khiêm nhường của Bác Hồ là tấm gương đạo đức vô cùng trong sáng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chúng ta học tập và noi theo.

Đó là một trong những ví dụ điển hình về phong cách trọng dân, gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Nhờ phong cách làm việc đó mà đi đến đâu Người cũng nhận được nhiều tình cảm quý mến, kính trọng của đông đảo quần chúng Nhân dân.

Sinh ra ở quê hương Nam Đàn, Nghệ An, Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) từng có Bốn tháng ở Sài Gòn (từ tháng 2 đến đầu tháng 6 năm 1911) mặc dù là chặng thời gian ngắn ngủi, nhưng Sài Gòn lại chính là nơi đánh dấu sự chín muồi cả về nhận thức và hành động để Nguyễn Tất Thành quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình, đó là ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Và kể từ ngày 5/6/1911 cho đến lúc về với thế giới người hiền, ngót 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không được trở lại mảnh đất miền Nam đau thương và quật khởi. Đó là một nỗi áy náy khôn nguôi của Người, nhưng hình ảnh đồng bào và chiến sỹ miền Nam luôn luôn in đậm trong trái tim Người.

Năm 1962, Bác Hồ vui mừng được gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thǎm miền Bắc. Bác đã đặt bàn tay lên ngực trái rồi cảm động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Vâng, “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Bốn lần nói rằng: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi ”. Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc, Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng; thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

Trân trọng tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vinh dự là Thành phố mang tên Bác, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gần dân như Bác đã giành tình cảm của mình đối với đồng bào Miền Nam là nhiệm vụ cao cả của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố. 

23efc5df2ff4ebaab2e5-1663340437-1663423657.jpg
Tác giả tại Hội thảo khoa học: “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, nhu cầu và giải pháp"

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam, vừa làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi, sinh động. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM sẽ góp phần làm cho mỗi người dân Thành phố tiếp thu và phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam hiệu quả hơn theo tinh thần và tấm gương Hồ Chí Minh. 

Cụm từ “…làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi…” là nội hàm không thể thiếu khi nói đến không gian văn hóa Hồ Chí Minh, để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gần với người dân, trước tiên sự “gần gũi” từ trong nhà, tức là mỗi người dân đang sinh sống, làm việc tại Thành phồ Hồ Chí Minh phải học tập Bác, đó là kính già, yêu trẻ, sống có nghĩa, có tình bằng những việc làm bình thường, hàng ngày.

Đâu đó mỗi ngày, chúng ta vẫn bắt gặp trước cửa một căn nhà, một quán nước người dân đặt một thùng nước uống miễn phí (bình nước miễn phí, ai khát thì cứ uống không phải trả tiền…); hình ảnh người trẻ tuổi dẫn người lớn tuổi qua đường; một cái gật đầu cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ; một nụ cười khi phải đứng đợi mỗi khi kẹt xe, dừng xe tại các chốt giao thông; đứng lại cuối chào khi có đoàn xe tang đi qua; nhặt được của rơi trả lại người đánh mất; giúp người khi hoạn nạn và rất nhiều những hành động mang ý nghĩa nhân văn phải được lan tỏa, tuyên truyền mỗi ngày.

Muốn làm được như vậy Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải đẩy manh công tác tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu nhiều chuyện kể về Bác, lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp, hành động tốt trên tất cả các phương tiện truyền thông, các kênh mạng xã hội, làm sao để mỗi khi người dân các địa phương khác, bạn bè quốc tế đến với Thành phố cũng phải cảm nhận được một không gian văn hóa Hồ Chí Minh gần gũi, sống động như trong cuộc sống hàng ngày, họ không phải lo lắng bị móc trộm ví, không sợ chèo kéo, chặt chém khi đến các khu du lịch - khu di tích cách mạng, không phải trả phí (vé) cao khi thăm quan các khu di tích lịch sử…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vị trí quần chúng Nhân dân lên trước tiên, sự gần gũi của Bác đối với quần chúng Nhân dân khó có một lãnh tụ nào trên thế giới sánh bằng, việc lựa chọn xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển Thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính là đúng đắn, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gần gũi với người dân cũng góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nguyễn Ngọc

Link nội dung: https://pld.net.vn/xay-dung-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-gan-gui-voi-nguoi-dan-tp-ho-chi-minh-a8877.html