Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng ôtô lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc ước đạt trong 8 tháng của 2022 dao động khoảng gần 390.000 xe. Con số này cao hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước 8 tháng của năm 2022 ước tính đạt 293.800 xe, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc trong 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 96.026 chiếc với tổng giá trị kim ngạch là 2,245 tỷ USD; bằng 91,0% về số lượng và 95,8% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy con số không bằng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong 2 tháng vừa qua, lượng ôtô nhập khẩu đang có xu hướng tăng trưởng mạnh và tháng 8 tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, lượng xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 8.2022 theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê ước đạt 34.100 xe, giảm nhẹ 1.000 xe so với tháng trước (đạt 35.100 xe).
Tình trạng xe nhập khẩu ngày càng nhiều về mặt số lượng không phải chỉ mới xảy ra trong năm nay.
Thị trường ô tô Việt Nam "nở rộ" xe CBU (ô tô nhập khẩu nguyên chiếc) kể từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe CBU trong khối ASEAN về 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên.
Năm 2019, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã nhập khẩu 118.443 xe CBU các loại. Trong khi đó, xe sản xuất và lắp ráp trong nước đạt 193.710 xe. Tỷ trọng này cho thấy, số lượng xe nhập khẩu không hề nhỏ so với xe lắp ráp trong nước. Và con số này không có sự chênh lệch nhiều trong vài năm sau đó.
Phân loại | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | 8 tháng đầu năm 2022 |
Xe CKD | 193.710 | 193.568 | 173.726 | 156.923 |
Xe CBU | 118.443 | 96.709 | 109.297 | 84.283 |
Tỷ trọng CKD | 62% | 67% | 61% | 65% |
Tỷ trọng CBU | 38% | 33% | 39% | 35% |
Kết quả bán hàng chung của VAMA.
Tuy vậy, tỉ lệ trên là tính chung cho toàn thị trường, còn tính riêng từng doanh nghiệp, thì có những công ty dù đặt nhà máy sản xuất ô tô Việt Nam đã lâu, nhưng ngày càng nhập khẩu nhiều xe, còn sản xuất hầu như "chỉ cho có".
Nhập khẩu nhiều nhất là Công ty Mitsubishi Việt Nam, đây cũng là một trong những công ty liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên ở Việt Nam. Trong năm 2019, Mitsubishi Việt Nam đã nhập khẩu 26.807 xe, chiếm 87% số lượng xe các loại bán ra. Tính đến hết tháng 8/2022, tỷ trọng xe CBU của doanh nghiệp này vẫn duy trì ở mức cao 86%.
Xếp sau Mitsubishi Việt Nam là Suzuki - Một nhà sản xuất cũng có nhà máy tại Việt Nam. Số xe CBU của doanh nghiệp này luôn ở mức trên 70% từ năm 2019 trở về đây. Cụ thể, số lượng xe CBU của Suzuki Việt Nam trong năm 2019 chiếm 75% tổng số xe các loại với 8.667 xe; năm 2020 là 77%; năm 2021 là 75%; hết tháng 8/2022 là 73%.
Bên cạnh đó cũng có các doanh nghiệp gia tăng sản lượng xe sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam như Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Thành Công.
Honda Việt Nam vào năm 2019 nhập khẩu 23.400 xe CBU, chiếm 71% tổng số xe các loại được bán ra. Sau đó, con số này đã được giảm mạnh xuống còn 50% vào năm 2020; 28% vào năm 2021 và hết tháng 8/2022 chỉ còn 23%.
Nhà sản xuất | Xe lắp ráp CKD | Xe nhập khẩu CBU | ||
Doanh số (chiếc) | Tỷ trọng | Doanh số (chiếc) | Tỷ trọng | |
THACO | 87.422 | 94% | 5.925 | 6% |
Toyota | 20.240 | 36% | 36.249 | 64% |
Mitsubishi | 3.609 | 14% | 22.791 | 86% |
Ford | 8.436 | 67% | 4.168 | 33% |
Honda | 17.795 | 77% | 5.378 | 23% |
Suzuki | 3.018 | 27% | 8.052 | 73% |
Isuzu | 6.455 | 88% | 867 | 12% |
Mercedes-Benz | 4.158 | 83% | 853 | 17% |
Doanh số xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2022 của các thương hiệu.
Công ty Ô tô Trường Hải chỉ nhập khẩu ở mức 5% cho các mẫu xe CBU từ năm 2019 - 2022. Tập đoàn Thành Công với thương hiệu Hyundai cũng có mức tỷ trọng nhập khẩu thấp chỉ với 0,3 - 0,5% suốt từ giai đoạn 2019 - 2022, tuy nhiên tháng 8/2022, con số này có sự tăng vọt lên tới 11%.
Phân loại | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Tháng 8/2022 |
Xe CKD | 79,294 | 81.088 | 70.188 | 42.368 |
Xe CBU | 274 | 280 | 330 | 5.270 |
Tỷ trọng CKD | 99,7% | 99,7% | 99,5% | 88,9% |
Tỷ trọng CBU | 0,3% | 0,3% | 0,5% | 11,1% |
Kết quả bán hàng của Tập đoàn Thành Công.
Có thể thấy các doanh nghiệp như THACO, Thành Công đều nhất quán và quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô, gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất trong nước. Đó là chưa nói tới Vinfast, doanh nghiệp Việt sản xuất và phát triển xe Việt Nam toàn bộ, với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Mitsubishi và Suzuki dù có nhà máy tại Việt Nam và nhiều năm hưởng các chính sách ưu đãi, nhưng vẫn nhập khẩu ô tô nhiều hơn tự sản xuất và lắp ráp.
Link nội dung: https://pld.net.vn/co-nha-may-san-xuat-o-to-nhung-mitsubishi-suzuki-van-nhap-khau-xe-de-ban-nhieu-hon-tu-san-xuat-va-lap-rap-a8958.html