Bất động sản thương mại, “tia sáng” trên thị trường bất động sản Trung Quốc

Bất động sản thương mại là điểm sáng của thị trường bất động sản Trung Quốc, trái ngược với sự ảm đạm và u ám của thị trường nhà đất.

z3740119499290-d4fa2330e861d204c3b718bc782c9aaa-1663818906.jpg

 

Các nhà phân tích và phát triển bất động sản Trung Quốc cho biết phân khúc văn phòng, nhà kho và khu mặt bằng kinh doanh đang chứng minh khả năng phục hồi và tiếp tục mang lại doanh thu cho thuê ổn định trên thị trường bất động sản nước này.

Tập đoàn bất động sản KWG Group Holdings gần đây cho biết thu nhập từ tiền thuê văn phòng và bất động sản thương mại khác đã tăng 6% trong nửa đầu năm, mặc dù doanh thu từ phát triển và bán nhà ở Trung Quốc đã giảm gần 37% trong cùng giai đoạn so với nửa đầu năm trước.

Tương tự, tập đoàn bất động sản CIFI Holdings đã công bố doanh số bán nhà trong nửa đầu năm giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh thu đầu tư bất động sản thương mại lại tăng tới 69,5%.

Tháng 7, Hang Lung Properties cũng báo cáo mức tăng nhỏ trong lợi nhuận nửa đầu năm, điều mà Phó Chủ tịch Adriel Chan gọi là “một bất ngờ thú vị”. Trong khi công ty báo cáo doanh thu từ các trung tâm thương mại và khách sạn thấp hơn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, giá thuê văn phòng cao cấp lại tăng tới 16%.

“Phân khúc văn phòng cho thuê đã chứng kiến hiệu suất cao đáng ngạc nhiên. Nó hiện chiếm khoảng 20% ​​doanh thu ở thị trường Trung Quốc của chúng tôi. Tất nhiên, tôi biết rằng không phải tất cả các nhà phát triển đều có trải nghiệm giống nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thêm các diễn biến mới”, ông Chan chia sẻ.

Hang Lung, công ty chủ yếu đầu tư vào bất động sản thương mại ở Trung Quốc, đã chứng kiến ​​tỷ lệ lấp đầy tại các tòa tháp văn phòng của họ ở Vô Tích, Côn Minh và Vũ Hán tiếp tục tăng.

Thuận lợi cho ngành thương mại

Các chủ đầu tư bất động sản thương mại Trung Quốc và khách hàng của họ lại không gặp khó khăn giống như các chủ đầu tư dự án nhà đất và chung cư, vốn đang phải vật lộn với các vấn đề như doanh số bán hàng chậm hơn cũng như áp lực lạm phát và nợ, đơn vị tư vấn bất động sản Lauressa Advisory cho biết.

Thị trường bất động sản thương mại thực tế cũng không tránh khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin giống như thị trường nhà ở. Tuy nhiên, trong khi một số nhà đầu tư phải bán nhà đất và dự án để duy trì tính thanh khoản, chuyên gia Spiro của Lauressa Advisory cho biết thị trường thương mại nhìn chung có các chính sách tài chính rõ ràng và được chính phủ ưu ái hơn.

“Trong khi Bắc Kinh đang tìm cách làm giảm bong bóng trên thị trường nhà đất mà không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, họ cũng ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nền kinh tế mới, điều này có lợi cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics”, ông Spiro nói.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, chính quyền Trung Quốc cũng có nhiều kế hoạch trực tiếp hơn để giúp đỡ chủ đầu tư, chẳng hạn như giảm thuế sử dụng đất ở đô thị và cung cấp gói hỗ trợ cho chủ đầu tư.

Đối với khách hàng, bất chấp những thách thức về liên quan đến đại dịch Covid-19, công ty đầu tư bất động sản toàn cầu Hines nhận thấy nhu cầu về mặt bằng bán lẻ và văn phòng tăng cao khi các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội trong một thị trường đang đi xuống, dẫn đến việc có thêm lựa chọn đối với các phân khúc này.

Claire Cormier Thielke, người đứng đầu thị trường Trung Quốc tại Hines cho biết: “Chúng tôi đang thấy các nhà bán lẻ thử nghiệm các khái niệm và trải nghiệm thương hiệu mới. Đối với văn phòng cho thuê, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng diện tích và chọn địa điểm phù hợp hơn với nhu cầu của họ sau đại dịch”.

Nhìn chung, khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản thương mại Trung Quốc nhanh hơn so với thị trường nhà đất và chung cư.

Dù vậy, theo cập nhật mới nhất của công ty tư vấn bất động sản CBRE chi nhánh Trung Quốc, giữa quý đầu tiên và quý thứ hai của năm nay, khoảng thời gian nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc bị phong tỏa, nguồn cung mặt bằng và văn phòng cho thuê mới đã giảm lần lượt 56% và 75%.

Trong số những thành phố ở Trung Quốc được CBRE theo dõi, có tới 18 thị trường chứng kiến giá thuê giảm. Chỉ số cho thuê của Trung Quốc được CBRE đánh giá trong quý II cũng giảm 0,5% so với quý I.

Ngoài ra, hoạt động cho thuê bán lẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với giá thuê trong quý II giảm 44% so với quý trước và 87% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, hoạt động trên phân khúc bất động sản logistics tốt hơn với giá thuê trong quý II tăng so với quý I, nhưng vẫn giảm so với cùng năm ngoái.

Bất động sản thương mại phục hồi nhanh hơn thị trường nhà đất

Khác với thị trường nhà đất và chung cư, bất động sản thương mại Trung Quốc đang phục hồi liên tục sau khi thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch, CBRE cho biết. CBRE cũng dự đoán ngoại trừ phân khúc bán lẻ, các phân khúc khác trên thị trường bất động sản thương mại như văn phòng cho thuê, kho bãi,… sẽ hoạt động tốt trong nửa cuối năm nay.

Sự phục hồi sẽ đến từ nhu cầu về không gian từ những doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ, truyền thông & viễn thông và khoa học đời sống, theo công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield.

Sự phục hồi giao dịch bất động sản thương mại ở Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ hơn thị trường nhà đất vì có nhiều doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế tài chính và vẫn tìm cách mua bán tài sản, Benjamin Chow, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản châu Á tại công ty nghiên cứu đầu MSCI cho biết.

Link nội dung: https://pld.net.vn/bat-dong-san-thuong-mai-tia-sang-tren-thi-truong-bat-dong-san-trung-quoc-a9041.html