Sau 5 năm lên kế hoạch và tranh luận, Trung Quốc cuối cùng đã đưa ra Dự án Bộ não Trung Quốc (CBP) đầy tham vọng.
Ngoài ngân sách ban đầu 5 tỷ nhân dân tệ (746 triệu USD) theo kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc, CBP sẽ được đầu tư thêm trong tương lai. Khoản chi mạnh tay này đưa CBP lên ngang hàng với Sáng kiến BRAIN (Brain Research through Advancing Innovative Neurotechnologies) của Mỹ với ngân sách 2,4 tỷ USD và Dự án Bộ não người của EU với ngân sách 1,3 tỷ USD.
CBP tập trung vào ba lĩnh vực: cơ sở thần kinh của các chức năng nhận thức, chẩn đoán và điều trị rối loạn não, và sức mạnh tính toán dựa trên cấu trúc não bộ.
Các nghiên cứu trên khỉ sẽ đóng vai trò quan trọng trong cả ba lĩnh vực. Các nhà lãnh đạo Dự án hy vọng việc Trung Quốc cởi mở với nghiên cứu trên động vật sẽ giúp thu hút nhân tài từ các nước không cho phép thực hiện dạng nghiên cứu này.
Tài trợ dành cho CBP sẽ được chia cho 11 trung tâm được chỉ định và khoảng 50 nhóm nghiên cứu được lựa chọn bởi một ủy ban do Mu-ming Poo, người lãnh đạo Viện Khoa học thần kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) và dẫn dắt CBP, đứng đầu.
Về mặt tổ chức, vẫn còn một số tranh luận xung quanh CBP. Nhà sinh học thần kinh Yi Rao, Hiệu trưởng Đại học Y Thủ đô ở Bắc Kinh, nói với Science rằng tất cả 11 đơn vị nghiên cứu được chọn đều có đại diện trong Ủy ban, điều này tạo ra xung đột lợi ích. “Người ta có xu hướng không phản đối các dự án do người khác đề xuất, để đổi lại sự ủng hộ cho dự án của chính đơn vị mình”, Rao viết trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 23/1.
Poo từ chối bình luận về những lời chỉ trích.
Về mặt khoa học, Robert Desimone thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, người cộng tác với các đồng nghiệp ở Trung Quốc, cho biết CBP, với trọng tâm là các phương pháp điều trị và nghiên cứu cơ bản trên động vật linh trưởng, giúp bổ sung cho các dự án của EU và Mỹ, vốn tập trung nhiều hơn vào các công cụ và công nghệ.
Hiện tại, Trung Quốc đang tăng cường số lượng các loài linh trưởng không phải người trong các trung tâm nghiên cứu để chuẩn bị cho Dự án. Viện Động vật học Côn Minh đang hoàn thiện một cơ sở mới, với không gian cho 5.000 con khỉ - đây sẽ là cơ sở nuôi linh trưởng lớn nhất Trung Quốc. Các viện thuộc CAS ở Thượng Hải đã có hơn 1.000 con linh trưởng và có thể sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba con số đó, Poo nói.
Nếu cần thêm, Trung Quốc có một trung tâm nghiên cứu và chăn nuôi khỉ ở tỉnh Hải Nam với khả năng tạo ra 20.000 con trong một thập kỷ tới, theo Poo. Để so sánh, bảy Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia của Mỹ mới có từ 18.000 đến 20.000 con linh trưởng không phải người.
CBP có thể phải đối mặt với những thách thức khác. Chính sách zero-COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc đã dẫn đến các biện pháp đóng cửa hà khắc. Những hạn chế như vậy khiến nhiều người nước ngoài phải rời Trung Quốc, và chưa rõ sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng tuyển dụng và hợp tác của CBP.
Hoàng Nam
Link nội dung: https://pld.net.vn/trung-quoc-dat-cuoc-lon-vao-nghien-cuu-nao-bo-a9046.html