Nhà đầu tư gồng mình ôm đất chờ nới room tín dụng

Bán “cắt lỗ” không được, nhiều nhà đầu tư “quay xe”, quyết định giữ đất và chờ đợi sự phục hồi của thị trường vào giai đoạn cuối năm khi các chính sách nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có tác động rõ rệt.

om-dat-1-1664028607.png

Chính sách nới room tín dụng ít nhiều có tác động đến tâm lý nhà đầu tư (hình minh họa)

Lạc quan hơn khi room tín dụng được nới

Sau khi đã đăng tin bán 2 mảnh đất ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) gần 5 tháng mà không tìm được người mua, anh Thân (Bình Dương) quyết định sẽ giữ đất, không rao bán nữa.

Anh Thân mua 2 lô đất liền kề này hồi tháng 2/2022, với giá 4,3 tỉ đồng. Nhà đầu tư tính toán để 3-4 tháng rồi đăng bán kiếm lời, kỳ vọng mức chênh khoảng 300-500 triệu đồng/lô.

“Hồi tháng 5, do bố mẹ tôi kẹt tiền, ngân hàng dừng giải ngân khoản vay nên nhờ tôi giúp. Tôi liên lạc môi giới đăng bán để xoay tiền cho gia đình. Ban đầu tôi bán lô căn góc 2,5 tỉ còn lô cạnh đó 2,2 tỉ nhưng mãi không tìm được khách”, anh Thân cho biết.

Thời gian sau, anh bàn với môi giới giảm giá, thậm chí chấp nhận lỗ 300 triệu, rao 2 mảnh trên với giá 2,2 và 1,8 tỉ đồng nhưng kết quả vẫn không khả quan. Anh Thân dẫn lời môi giới, cho biết lượng khách xem ngày càng ít, đa phần là “cò” đến xem khảo giá chứ không thực sự có người muốn mua.

Sau khi vay tiền người thân, bạn bè để giúp bố mẹ, khoản nợ của gia đình anh Thân tăng lên gần 80 triệu đồng/tháng. Cùng với việc kinh doanh không ổn định trong thời gian qua, anh Thân lo lắng làm sao để có thể tiếp tục chi trả các khoản nợ này trong thời gian tới.

Tâm lý bất an của anh Thân phần nào được giải tỏa sau khi thông tin nới room tín dụng được công bố. Một số người cho anh Thân vay cho biết đã tiếp cận được khoản tín dụng ngân hàng nên sẽ gia hạn thời gian trả nợ cho anh.

om-dat-2-1664028638.png

Nhà đầu tư kỳ vọng sự phục hồi thị trường từ các tác động gián tiếp của room tín dụng mới (hình minh họa)

Tuy con số nợ phải trả vẫn khá lớn, nhưng nhà đầu tư đã phần nào bớt căng thẳng. Anh Thân tin thông tin nới room tín dụng thời gian tới sẽ mang đến nhiều tác động tích cực tới thị trường. Do đó, anh quyết định, không vội bán mà sẽ chịu khổ “nuôi đất” thêm một thời gian nữa.

Trường hợp như anh Thân không hề hiếm. Dù thị trường đã xuất hiện tình trạng “cắt lỗ” thoát hàng nhưng chỉ diễn ra nhỏ lẻ, âm thầm.

Một giám đốc trung tâm giao dịch bất động sản ở Bình Chánh (TP.HCM) cho biết tuy lượng ký gửi bán bất động sản tăng trong những tháng vừa qua nhưng mức tăng chỉ khoảng 10-15%. Bên cạnh đó, giá bán sau “cắt lỗ” vẫn khá cao. Mức giảm thương lượng chỉ khoảng 100-200 triệu đồng. Và lượng hàng tốt, đầy đủ pháp lý cũng không nhiều. Cũng có nhiều trường hợp rút hàng sau thời gian dài không tìm được khách mua.

Có nên đặt niềm tin vào room tín dụng cuối năm?

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Khánh Quang nhận định việc “găm hàng” của các nhà đầu tư cá nhân ở thời điểm hiện tại không phải là một phương án tốt, đặc biệt là với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.

Ông Quang cho rằng các nhà đầu tư không nên lấy yếu tố nới room tín dụng để làm điểm tựa tâm lý và kỳ vọng sự phục hồi của thị trường sau những thông tin mới về tín dụng.

“Chính sách nới room tín dụng mới đây của Ngân hàng Nhà nước chưa mang lại tác động rõ rệt với thị trường bất động sản do lượng tiền bơm ra “khiêm tốn” và chỉ ưu tiên hoạt động kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất sẽ tăng mạnh nên khả năng dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản là không cao”, ông Quang nhận định.

om-dat-3-1664028664.png

Chuyên gia nhận định dòng tiền tín dụng khó chảy vào thị trường bất động sản (hình minh họa)

Trước đó, các chuyên gia đã dự báo về các động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng mức dư nợ được tăng lên 1-2% vượt mức trần 14% . Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết từ giờ đến cuối năm 2022 vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% không tăng thêm và cũng không giảm.

Ưu tiên của NHNN trong giai đoạn này là kìm hãm áp lực lạm phát đối với nền kinh tế và quá trình này có thể sẽ kéo dài đến năm 2023. Ngoài ra, NHNN vẫn phải đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Bên cạnh đó, việc lãi suất vay tiếp tục tăng sẽ là yếu tố giảm sức mua của khách hàng trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa tìm được phương án huy động an toàn vốn ngoài tín dụng ngân hàng.

Các thông tin mới về việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có tác động lớn đến tình hình kinh tế Việt Nam. Đêm qua, Mỹ đã tăng lãi suất 0,75% (sau 2 lần tăng liên tiếp 0,75% trước đó) đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%. Nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam đều tăng lãi suất (trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) cũng đã tăng lãi suất 0,75%).

Bá Di

Link nội dung: https://pld.net.vn/nha-dau-tu-gong-minh-om-dat-cho-noi-room-tin-dung-a9100.html