Chiến lược mua và nắm giữ bất động sản là gì?

Một trong những chiến lược hiệu quả trong đầu tư bất động sản được nhiều người áp dụng đó là mua và nắm giữ bất động sản. Vậy chiến lược mua và nắm giữ bất động sản là gì? Ưu và nhược điểm của chiến lược này là gì?

Bài viết dưới đây chia sẻ mọi điều mà bạn cần biết để áp dụng chiến lược mua và nắm giữ bất động sản thành công.

Chiến lược mua và nắm giữ bất động sản là gì?

Chiến lược mua và nắm giữ bất động sản được hiểu là nhà đầu tư mua bất động sản có tiềm năng cao và giữ nó trong dài hạn.

Để áp dụng một chiến lược như vậy đòi hỏi bạn phải có hiểu biết nhất định về thị trường và quan sát biến động giá bất động sản. Bạn cần biết những biến động của thị trường để có thể mua bất động sản đầu tư của mình với giá thấp và kiếm được lợi nhuận cao. Ngoài ra, bạn phải thường xuyên kiểm tra đánh giá bất động sản để biết khi nào nên bán.

Phân tích thị trường bất động sản hợp lý cũng sẽ giúp bạn xác định tiềm năng của một tài sản, điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập tiềm năng của bạn.

Thu nhập từ chiến lược mua và nắm giữ bất động sản

Với bất động sản đã mua, bạn sẽ kiếm thu nhập từ hai phương thức:

Bán lại bất động sản với giá cao: Bạn có thể quyết định nắm giữ bất động sản (bỏ trống để tránh tình trạng hao mòn do có người ở) và đợi cho đến khi giá trị của nó tăng lên để bán. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư quyết định giữ tài sản ngay cả khi giá trị thị trường của tài sản đã đạt đến mức tương đối cao để chờ giá bất động sản tăng cao hơn nữa.

Cho thuê: Bạn có thể cho thuê bất động sản để kiếm tiền thông qua thu nhập cho thuê, nhưng đồng thời, cũng chờ giá trị tài sản của bạn tăng lên. Cần lưu ý rằng phương pháp này rủi ro hơn vì có người thuê nhà đồng nghĩa với việc bất động sản sẽ xuống cấp nhanh hơn.

Lợi ích của chiến lược mua và nắm giữ bất động sản

Giá bất động sản có thể sụt giảm hoặc tăng mạnh do một số yếu tố, nhưng nó luôn phục hồi. Chiến lược đầu tư mua và nắm giữ sẽ giúp bạn xây dựng giá trị tài sản theo thời gian. Cụ thể, các nhà đầu tư sử dụng phương pháp mua và nắm giữ có thể được hưởng các lợi ích sau:

Không cần quá nhiều kinh nghiệm: Mua và nắm giữ là một chiến lược phù hợp để bắt đầu đầu tư bất động sản. Chiến lược này không yêu cầu quá nhiều kiến ​​thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong giao dịch bất động sản. Điều quan trọng là bạn phải sẵn sàng học hỏi. Nếu cảm thấy khó khăn ở bất cứ bước nào trong quá trình đầu tư, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, trên internet, trên hội nhóm mạng xã hội,....

Thu nhập hàng tháng từ cho thuê: Bạn có thể ngay lập tức cho thuê bất động sản đã mua để kiếm thu nhập mỗi tháng để trả khoản thanh toán thế chấp hoặc tiết kiệm để mua một bất động sản khác.

Dễ dàng mở rộng danh mục đầu tư bất động sản: Giả sử bạn đã thanh toán đầy đủ khoản thế chấp của bất động sản đầu tiên, hoặc bạn mua bất động sản đầu tiên hoàn toàn bằng tiền của mình, thì bây giờ bạn có thể tiết kiệm thu nhập cho thuê từ bất động sản đầu tiên của mình để sử dụng như một khoản trả trước sau này để mua bất động sản thứ hai. Với hai bất động sản mang lại thu nhập cho bạn, bạn sẽ có thể trả tiền thế chấp hàng tháng và mua một bất động sản khác. Khi bạn bổ sung thêm một bất động sản vào danh mục đầu tư bất động sản của mình, việc tìm kiếm các khoản đầu tư bất động sản khác trở nên dễ dàng hơn và rủi ro trở nên dễ kiểm soát hơn.

Ổn định hơn: Bất chấp những rủi ro đi kèm với đầu tư bất động sản, chiến lược mua và nắm giữ bất động sản ít biến động hơn và do đó, ít rủi ro hơn. Dòng tiền cũng dễ ước tính hơn.

Hạn chế của chiến lược mua và nắm giữ bất động sản

Giống như bất kỳ kế hoạch đầu tư nào khác, chiến lược mua và nắm giữ cũng đi kèm với những nhược điểm riêng của nó. 

Chi phí phát sinh khó lường trước và rủi ro về tỷ lệ bỏ trống: Nếu muốn cho thuê bất động sản để kiếm thu nhập hàng tháng có nghĩa là bạn phải tìm kiếm khách thuê quanh năm. Cho dù bạn tự làm hay sử dụng các dịch vụ quản lý tài sản, một số chi phí nhất định sẽ phát sinh đi kèm với hoạt động này. Quan trọng là rất có thể bạn sẽ không tìm được khách thuê trong một vài giai đoạn vì nhiều yếu tố, khi đó bất động sản của bạn sẽ bị bỏ trống và bạn sẽ không có thu nhập hàng tháng từ đó.

Quản lý chuyên sâu: Chiến lược mua và nắm giữ dành cho những nhà đầu tư hiểu biết về quản lý và hành chính. Các nhà đầu tư ít kinh nghiệm, đặc biệt là những người mới tham gia đầu tư có thể sẽ nhận thấy những vấn đề “đau đầu” mà chiến lược này đem lại trong quá trình thực hiện. Bạn cần giải quyết các vấn đề của khách thuê và tuân thủ các quy định pháp lý nếu muốn kiếm được thu nhập cho thuê khả quan từ bất động sản của mình. 

Tính thanh khoản: Chiến lược mua và nắm giữ sẽ không đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư muốn mua và bán bất động sản trong ngắn hạn. Phải mất một thời gian trước khi giá trị của bất động sản tiềm năng tăng lên. Bên cạnh đó, mặc dù bạn có thể cho thuê bất động sản ngay lập tức, nhưng việc sàng lọc và tìm người thuê cũng khó có thể diễn ra ngay lập tức.

Rủi ro thiệt hại: Như đã đề cập ở trên, nếu bạn quyết định cho thuê tài sản của mình, bạn có thể đối mặt với nguy cơ người thuê nhà không giữ gìn bất động sản, khiến nó bị hỏng hóc hoặc xuống cấp rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng phải đối mặt với nguy cơ người thuê không thể trả tiền thuê nhà, xích mích với hàng xóm, không giữ gìn vệ sinh chung,... Khi đó bạn buộc phải chấm dứt hợp đồng thuê với họ và khả năng cao là bạn không thể tìm người thuê nhà mới ngay lập tức. Do đó, bất động sản sẽ bị bỏ trống.

Thời điểm bán bất động sản trong chiến lược mua và nắm giữ

Trừ khi mục tiêu đầu tư của bạn đã thay đổi, bạn nên giữ tài sản đầu tư của mình ít nhất 8-10 năm trước khi bán. Rất nhiều yếu tố cần phải được xem xét trước khi bán bất động sản, chẳng hạn như khía cạnh thị trường bất động sản, khoản vay thế chấp, giá bán của những bất động sản tương tự trong cùng khu vực, thuế bất động sản, cơ hội đầu tư khác có lợi hơn,...

Mặc dù chiến lược đầu tư mua và nắm giữ bất động sản có vẻ đơn giản nhưng không phải tất cả các nhà đầu tư đều thành công. Do đó, điều quan trọng là hãy chọn vị trí bất động sản một cách khôn ngoan, tìm kiếm những khu vực có các dự án phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng lớn sắp hoặc đang thực hiện, những dự án này sẽ nâng cao giá trị tài sản của bạn. Đồng thời, hãy thực hiện phân tích thị trường và đánh giá tiềm năng của bất động sản một cách kỹ lưỡng. 

 

Dương Thảo An (Mashvisor)

Link nội dung: https://pld.net.vn/chien-luoc-mua-va-nam-giu-bat-dong-san-la-gi-a9192.html