Gỗ An Cường làm ăn ra sao sau khi “chuyển nhà” sang HoSE?

Vừa mới chính thức chuyển sàn sang HoSE, CTCP Gỗ An Cường (Mã: ACG) đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

Lãi đậm trong quý 3

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 3 của Gỗ An Cường đạt 1.176 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế là 166 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 137% và 181% so với cùng kỳ năm 2021.

image-2-1666599441.png

Gỗ An Cường công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ

Trong kỳ, doanh nghiệp này ghi nhận giá vốn hàng bán chỉ ở mức thấp, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 348 tỷ đồng, tăng 195% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc khác, chi phí quản lý và bán hàng mặc dù ghi nhận tăng nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu chi phí đã giúp Gỗ An Cường ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 201 tỷ đồng, tăng gần 3 lần.

Theo giải trình từ phía Gỗ An Cường, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, Công ty đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng để tăng doanh thu. Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng do lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gỗ An Cường đạt 3.901 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 445 tỷ đồng, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, doanh nghiệp này đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu mục tiêu 4.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 550 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Gỗ An Cường đã hoàn thành được hơn 92% kế hoạch doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận của cả năm.

Tính tới ngày 30/9, tổng tài sản của Gỗ An Cường đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu kỳ. Cơ cấu tài sản khá lành mạnh với việc tồn kho và các khoản phải thu chiếm tỷ trọng không quá lớn.

Cụ thể, hàng tồn kho đạt 1.501 tỷ đồng, tăng 9%; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 683 tỷ đồng, tăng 10%, các khoản phải thu dài hạn đạt 357 tỷ đồng, tăng 11%.

Chính thức giao dịch trên HoSE

Mới đây, gần 136 triệu cổ phiếu ACG của Gỗ An Cường vừa được chính thức giao dịch phiên đầu tiên tại sàn HoSE. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết là 1.358.461.220.000 đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 67.300 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá +/-20%.

image-20221024130953-2-1666599467.jpeg

Cổ phiếu ACG của Gỗ An Cường Chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 10/10

Được biết, trước khi chuyển qua HoSE, cổ phiếu ACG từng niêm yết trên sàn UPCoM từ tháng 8/2021 với mức tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, sau hơn 1 năm giao dịch trên sàn UPCoM, thị giá cổ phiếu ACG đã giảm hơn 23% so với ngày đầu niêm yết.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu ACG của Gỗ An Cường hiện đang ở mức giá tham chiếu 54.100 đồng/cổ phiếu, giảm 21% thi giá so với thời điểm đầu năm.

Mặc khác, Gỗ An Cường cũng mới vừa chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 11%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.100 đồng.

Như vậy, với hơn gần 136 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Gỗ An Cường dự kiến chi khoảng 150 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông. Được biết, thời gian thanh toán từ ngày 4/11/2022 tới đây.

Đẩy mạnh đầu tư bất động sản

An Cường hiện đang là cái tên quen thuộc đối với các chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, tổng thầu, các doanh nghiệp nội thất với 55% thị phần mảng gỗ công nghiệp và nội thất.

Hiện nay, Gỗ An Cường đang vận hành 2 cụm nhà máy tại Bình Dương với tổng diện tích 240.000 m2, công suất khoảng 300.000 m3 gỗ mỗi năm. Công suất hoạt động bình quân của 2 nhà máy đạt khoảng 70%.

Trong đó, nhà máy số 2 chủ yếu sản xuất ván gỗ cho các chủ đầu tư dự án bất động sản và thị trường xuất khẩu, tổng công suất xuất ván gỗ và cửa gỗ đang lần lượt đạt 800.000 tấn mỗi năm.

Theo tìn hiểu, Gỗ An Cường hiện có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam với tỉ lệ sở hữu 50%; Sumitomo Forestry Ltd và Quỹ đầu tư Whitlam Holding Pte Ltd đại diện cho liên doanh VinaCapital - DEG sở hữu lần lượt là 18,06% và 19,6%.

Báo cáo tài chính quý 3/2022 vừa được công bố cho thấy, bên cạnh mảnh kinh doanh chính, Gỗ An Cường đã tiếp tục mở rộng hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group) khi giải ngân mua 30% cổ phần của Thắng Lợi Central Hill (Central Hill).

Được biết, đây là công ty con của Thắng Lợi Group, đơn vị đang triển khai dự án đất nền, nhà phố, shophouse quy mô 7ha tại Bến Lức, Long An. Giá trị thương vụ được ghi nhận 393 tỷ đồng. Với việc tham gia góp vốn vào Central Hill, Gỗ An Cường cho biết sẽ cung cấp các sản phẩm gỗ ép của mình cho dự án này.

Trước đó, vào tháng 4/2021, Gỗ An Cường cho biết đã chi 119 tỷ đồng mua gần 13% cổ phần của Thắng Lợi Group.

Bên cạnh các khoản đầu tư trên, An Cường cũng chi 156 tỷ đồng mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất lên đến 13,8%.

Thời gian tới, doanh nghiệp này dự kiến sẽ đầu tư vào 3 dự án tiềm năng gồm Khu công nghiệp An Cường; chuyển đổi cụm nhà máy Thái Hòa thành khu dân cư cao tầng và xây dựng nhà máy MDF.

Hữu Việt

Link nội dung: https://pld.net.vn/go-an-cuong-lam-an-ra-sao-sau-khi-chuyen-nha-sang-hose-a9334.html