Chỉ số VN-Index hiện giảm hơn 27% từ đầu năm 2022 đến nay do nhà đầu tư lo ngại về làn sóng tăng lãi suất toàn cầu. Theo các chuyên gia, mức P/E dự phóng 12 tháng tới của thị trường chỉ còn 9 lần, mức thấp nhất từng được ghi nhận từ năm 2012. Phiên giao dịch ngày 24/10 thị trường chứng khoán đóng cửa giảm còn 986 điểm. Với diễn biến này, giới đầu tư cho rằng thị trường tiếp tục giảm sâu dưới mốc này.
Ông Nguyễn Đức Lâm -Chuyên gia phân tích Chứng khoán MBS cho rằng, chỉ số VN-Index được xây dựng trên 2 kịch bản: Kịch bản 1: Chỉ số VN-Index test lại vùng quanh 1.000 điểm nhưng bật tăng sau đó, mục tiêu là quay lại test vùng 1.063-1.073 để hoàn thành mô hình 2 đáy. Lúc này các cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện nhiều hơn nhưng cần chọn lọc theo dòng tiền và ưu tiên nhóm cổ phiếu mạnh hơn thị trường chung, và có sự ủng hộ đến từ thông tin kết quả kinh doanh tích cực;
Kịch bản 2: Chỉ số VN-Index giảm điểm và không giữ thành công mốc hỗ trợ 1.000 điểm, VN-Index tiếp tục test sâu hơn và kỳ vọng là 970 điểm, lúc này cần chú ý đến RSI nếu tạo mô hình đáy sau cao hơn một lần nữa, VN-Index sẽ xuất hiện mô hình phân kỳ tam đoạn và xác xuất tạo đáy cao hơn. Lúc này không cần vội vã nhưng có thể mở tỷ trọng mua thăm dò khi VN-Index test lại vùng 970, ưu tiên nhóm cổ phiếu mạnh hơn thị trường chung đặc biệt là nhóm cổ phiếu không vi phạm vùng đáy cũ, nhưng cần lưu ý tham gia với tỷ trọng thấp.
Nhìn nhận về chính sách tiền tệ liệu có tác động đến thị trường, nhiều chuyên gia có góc nhìn lạc quan về việc ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất, NHNN Việt Nam cũng điều chỉnh tăng các mức lãi suất chính sách như sau: Lãi suất tái cấp vốn tăng lên 5% (từ mức 4% trước đó); Lãi suất tái chiết khấu tăng lên 3,5% (từ mức 2% trước đó); Lãi suất cho vay qua đêm tăng lên 6% (từ mức 5% trước đó)…
Đồng thời, NHNN quyết định nới các mức trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn như sau: Tiền gửi với kỳ hạn dưới 1 tháng có trần lãi suất huy động ở 0,5% (tăng từ 0,2%); Tiền gửi với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng có trần lãi suất huy động ở 6% (tăng từ 5%)… Đồng thời, cho phép thỏa thuận lãi suất với các kỳ hạn huy động dài hơn 6 tháng. Động thái này từ phía NHNN nhiều khả năng nhằm giảm tải áp lực phá giá đang gia tăng lên VND, trong bối cảnh VND đã mất khoảng 4% giá trị từ đầu năm. Dù vậy, đây vẫn là một mức giảm khá khiêm tốn so với các đồng tiền khác trong khu vực, nhờ nỗ lực giữ ổn định tỷ giá của NHNN.
Ông Nguyễn Trí Hiếu-Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, thị trường sẽ khó để rơi sâu vì vị thế của Việt Nam có thể bị tác động bởi sự bất ổn toàn cầu, nhưng kinh tế nội địa vẫn đang vận hành rất tốt và được rất nhiều các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sau mức tăng xếp hạng tín nhiệm lên BB+ của S&P, Việt Nam tiếp tục được Moody’s nâng triển vọng lên Ba2 với sự triển vọng ổn định trong dài hạn.
Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được 2 chữ số trong quý III và 7,8% trong năm 2022. Về dài hạn thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn, tuy nhiên với những biến động trong ngắn hạn như hiện tại, nhà đầu tư khi tham gia cần phải đầu tư có chọn lọc và luôn đặt tâm thế thoải mái trong việc đầu tư. Đầu tư vào thị trường chứng khoán là kênh đầu tư dài hạn, nên tham gia với tâm thế thảnh thơi và định kỳ. Đừng vì những rủi ro đầu tư có thể xảy ra trong ngắn hạn mà bỏ lỡ chi phí cơ hội trong dài hạn.
Ông James Bannan, Giám đốc quỹ đầu tư Coeli Asset, nhận định, “Hiện không ít doanh nghiệp chất lượng sở hữu tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng định giá lại đang thấp hơn trung bình nhiều năm. Đây chính là thời điểm vàng để mua vào”. Còn ông Ruchir Desai, Giám đốc quỹ đầu tư Asia Frontier Capital: “Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi”. Hiện quỹ này quản lý khối tài sản trị giá 87 triệu USD tại Việt Nam và một số thị trường khác như Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka.
Link nội dung: https://pld.net.vn/dau-tu-tren-ttck-dung-bo-lo-co-hoi-dau-tu-trong-dai-han-a9341.html