Doanh nghiệp khát vốn sau sự cố FLC, Tân Hoàng Minh

Thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau sự cố của Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh.

Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội 2022, dự kiến kế hoạch 2023. Phát biểu tại kỳ họp đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) đề cập đến vấn đề cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Theo ông Hùng, tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua nghị quyết 43 trong đó thống nhất chủ trương có gói kích thích hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế 350.000 tỉ đồng. Cùng với đó Quốc hội cũng cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022-2023 ở mức 1-1,2%, tối đa 240.000 tỷ. Trong đó, năm 2022 khoảng 1,1%, tương đương hơn 102.000 tỷ. Đây là những con số rất lớn được bơm vào nền kinh tế.

Trong mức tăng trưởng tín dụng ở mức 14% năm 2022, lạm phát được duy trì ở mức thấp chỉ 2,73% trong 9 tháng đầu năm. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư đã rất kỳ vọng dòng vốn trên thị trường dồi dào hơn, doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn, các dự án đầu tư có đủ vốn để triển khai nhanh hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn.

“Nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau sự cố của Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh”, đại biểu đoàn Cần Thơ nói.

hung-1666968052.jpg

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh Quochoi.vn

Trong 2 quý đầu năm, tín dụng tăng trung bình 1,56% mỗi tháng đã giúp nền kinh tế phục hồi tích cực. Nhưng quý 3, dư nợ tín dụng chỉ tăng ở mức trung bình 0,18% -0,2%/tháng. Đồng thời gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai khá chậm chỉ với 13 tỷ đồng tiền lãi đã hỗ trợ lãi suất, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 9.820 tỷ đồng trên tổng số nguồn lực chính sách này 40.000 tỷ.

Trong lúc chờ đợi sự phục hồi thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng 1-2% trong thời gian tới. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khả năng nới room này rất khó. Để ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, nới biên độ tỷ giá.

Để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế, không làm gãy đà tăng trưởng từ đầu năm, ông Hùng đề xuất 5 giải pháp.

Một là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát.

Hai là, có cơ chế điều chỉnh dòng vốn vào các ngành sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững, tránh việc cung tiền vào các lĩnh vực có rủi ro cao gây ra hệ luỵ như nợ xấu, kéo lãi suất, tỷ giá tăng cao, gây bất ổn kinh tế.

Ba là, trong bối cảnh lãi suất huy động dần tăng lên, các tổ chức tín dụng cần có sự chia sẻ với nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng bằng các nâng cao năng lực quản trị, cắt giảm chi phí, ổn định lãi suất cho vay.

Bốn là, triển khai hiệu quả Nghị quyết 43. Năm là sớm phục hồi trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Đại biểu Hùng nhận xét, một số quy định, chế tài xử lý thị trường trái phiếu vừa qua cơ bản giải quyết bất cập, nhưng Chính phủ cần có động thái lấy lại lòng tin đã mất của nhà đầu tư để khôi phục sớm thị trường chứng khoán, trái phiếu để có thêm nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.

Phương Vy

Link nội dung: https://pld.net.vn/doanh-nghiep-khat-von-sau-su-co-flc-tan-hoang-minh-a9372.html