Vừa qua, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội và Trung tâm Tư vấn phát triển Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải) vừa báo cáo Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội tiến độ xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông”.
Theo đề án, Hà Nội dự kiến thu phí vào nội đô chia làm 3 giai đoạn và bắt đầu thí điểm năm 2024. Trong giai đoạn thí điểm, sẽ lập 15 trạm thu phí trên 9 trục đường nội đô lưu lượng giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc cao, đến 30/11/2025, sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng, cụ thể: Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Sau năm 2031, TP. Hà Nội sẽ thực hiện giai đoạn 3, mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng, khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Đáng chú ý, đơn vị tư vấn lập đề án và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đều kiến nghị Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh thời điểm áp dụng đề án thu phí để phù hợp với quy định hiện hành và tránh những khó khăn phát sinh về sau…
Trước đề xuất đã nêu, các chuyên gia cho rằng, thu phí ô tô vào nội đô là một trong các giải pháp giảm ùn tắc căng thẳng hiện nay của Hà Nội khi lượng xe tăng quá nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ đây không phải liều “thuốc tiên” để giảm được ùn tắc, nhất là khi thành phố đang “ì ạch” giải các bài toán căn cơ như hạ tầng giao thông chậm phát triển mới; mục tiêu di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô hơn chục năm nay chưa thực hiện được.
Chưa kể, với lưu lượng phương tiện rất lớn hiện nay, thu phí ô tô vào nội đô nếu không thực hiện đồng bộ với giải pháp hạn chế xe máy thì sẽ dẫn đến một tác dụng ngược là người dân chuyển sang sử dụng xe máy để đi vào nội đô, và khi đó, ùn tắc sẽ càng hết “thuốc” chữa.
Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Đức Cần - Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh phân tích, ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng tại các đô thị lớn gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người luôn là bài toán đau đầu với các nhà quản lý. Tuy nhiên, để giải quyết thì cần phải tìm được căn nguyên, gốc rễ của vấn đề chứ không chỉ đơn thuần thu phí là có thể giải quyết được.
“Người ta có thể đổ lỗi cho sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện cá nhân, do đường sá không được mở rộng… Nhưng có lẽ cũng không nhiều người nghĩ rằng, chính việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch phát triển hạ tầng, yếu kém trong phát triển giao thông công cộng đã đẩy giao thông tại các đô thị lớn vào thực trạng hiện nay.
Việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn vì sẽ có hiện tượng “lách” nộp phí bằng cách tránh các cung đường lớn có trạm thu phí, tìm đến các đường nhỏ hoặc tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài. Điều này làm gia tăng việc ùn tắc ở các cung đường này”, TS Nguyễn Đức Cần bày tỏ.
Theo TS Nguyễn Đức Cần, Hà Nội cũng cần tính toán lại thời gian thu phí, chỉ nên thu phí ở giờ cao điểm để các chủ phương tiện chủ động điều tiết, hạn chế di chuyển, tránh ùn tắc giao thông. Trong phương án cần đưa ra mức thu phí đủ để các chủ phương tiện thay đổi cường độ di chuyển vào nội đô Hà Nội, không nên làm theo kiểu thu thật cao để người dân sợ mà không dám đi vào phố.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam – Nguyễn Văn Quyền, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ phạm vi thu phí, bởi nếu đặt trạm thu phí bao quanh Vành đai 3 trở vào sẽ tương đối rộng, nhất là khi điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế (bãi đỗ xe, giao thông công cộng…). Do vậy, thành phố cần phải tính toán thu hẹp phạm vi áp dụng.
“Các nước khi mới thực hiện đều thu phí phương tiện cá nhân ở phạm vi hẹp. Có thể chỉ thực hiện ở quận trung tâm, khu vực thường xuyên ùn tắc, sau đó mới mở rộng phạm vi khi các điều kiện đi lại của người dân bằng giao thông công cộng thuận tiện hơn, đời sống thu nhập của người dân cao hơn”, ông Quyền góp ý.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, xoay quanh Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội, một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần đánh giá tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân. Đồng thời cần lấy ý kiến nhân dân rộng rãi để nắm được ý chí của đối tượng chịu tác động.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, tình trạng giao thông tại Thủ đô thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết, việc thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này. Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để thay thế.
“Hiện nay tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đã đi vào hoạt động, khi có phương tiện công cộng, người dân sẽ chủ động thay thế phương tiện cá nhân. Song nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được vấn đề ùn tắc”, đại biểu Cường bày tỏ.
Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, vấn đề thu phí nội đô không mới, tuy nhiên, phải xem xét điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của Hà Nội để có giải pháp thích hợp.
Link nội dung: https://pld.net.vn/thu-phi-phuong-tien-vao-noi-do-ha-noi-khong-phai-thuoc-tien-tri-tac-duong-a9380.html