Theo truyền thông Hàn Quốc, Chủ tịch mới của Samsung Electronics, Lee Jae- yong, dự kiến sẽ đến Việt Nam để tăng cường quản lý toàn cầu và tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh mới tại đây.
Cách đây vài ngày, ông Lee Jae- yong mới được thăng chức Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics thông qua một cuộc họp hội đồng quản trị trước đó trong ngày. Người đàn ông 54 tuổi này sẽ là chủ tịch thứ ba của nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới, kế vị người sáng lập, ông nội và cha của ông là cố Chủ tịch Lee Kun-hee.
Ngay sau khi nhậm chức, vị tân Chủ tịch đã lên kế hoạch đến thăm trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung Electronics tại Việt Nam vào cuối năm nay. Mặc dù mọi thứ còn trong kế hoạch, nhưng với việc “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc đang phải đối mặt với “môi trường kinh doanh toàn cầu không chắc chắn” và có “nhu cầu cấp bách về sự ổn định kinh doanh”, có lẽ mọi thứ đã được lên lịch.
Trên thực tế, Việt Nam hiện đang được Samsung coi là một “đại bản doanh” toàn cầu của “gã khổng lồ” công nghệ. Tại đây, Samsung đang vận hành các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cùng nhà máy sản xuất TV và thiết bị gia dụng. Các nhà máy tại Việt Nam đang sản xuất hơn 50% số điện thoại thông minh của Samsung được bán trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, dù đang dần trở thành công xưởng của thế giới, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các “ông lớn” công nghệ toàn cầu, nhưng rõ ràng Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều các hoạt động đầu tư cho R&D. Song, giờ đây với việc Samsung “chơi lớn” khi đã đầu tư 220 triệu USD để xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2020 và đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng vào cuối năm nay, người ta có nhiều thứ để kỳ vọng cho một tương lai công nghệ không xa của Việt Nam.
Ban đầu, ông Lee dự kiến đến Việt Nam để tham dự lễ khởi công trung tâm R&D vào tháng 2 năm 2020, nhưng sự kiện này đã bị hủy do sự lây lan của đại dịch COVID-19. Thay vào đó, ông đã đến thăm Việt Nam vào tháng 10 cùng năm. Trong chuyến thăm đó, sau khi xem xét tiến độ xây dựng trung tâm R&D, trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó, ông Lee từng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ trung tâm R&D mới trở thành cơ sở cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Samsung”.
Bên cạnh đó, năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, điều này càng nâng cao khả năng vị tân Chủ tịch Samsung sẽ thảo luận mở rộng hợp tác kinh doanh với các quan chức cấp cao có liên quan của Việt Nam.
Như trên đã nói, vị tân Chủ tịch của Tập đoàn Samsung đến Việt Nam nhằm mục đích tăng cường quản lý toàn cầu và tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh mới tại đây.
Samsung và TSMC (Đài Loan) hiện đang cạnh tranh nhau quyết liệt để giành vị thế dẫn đầu các quy trình bán dẫn tiên tiến. Hiện tại, mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung là Samsung Foundry đã bắt đầu vận chuyển tiến trình chip 3nm, trong khi công ty đúc của Đài Loan dự định sẽ sản xuất số lượng lớn chip 3nm vào hồi tháng trước, nhưng kế hoạch này đã bị lùi sang quý 4 năm 2022.
Samsung đã bắt đầu sản xuất quy mô lớn chip trên quy trình 3 nm từ tháng 6. Đồng thời công ty cũng đã đàm phán với những đối tác tiềm năng về công nghệ này, gồm Qualcomm, Tesla và AMD. Tuy nhiên, họ lại đang gặp khó khăn về việc đáp ứng kỳ vọng sản lượng của khách hàng trong những năm gần đây. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù công ty đã đẩy nhanh cuộc đua công nghệ để cạnh tranh với TSMC, nhưng họ lại đang thiếu kinh nghiệm với các đối tác dài hạn trong sản xuất theo hợp đồng.
Rõ ràng, đây chính là thời điểm mà “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc đang phải cố gắng vượt qua những thách thức ngày càng gia tăng từ các vấn đề kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh chậm lại. Mới đây, công ty đã báo cáo lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý thứ ba, do hoạt động kinh doanh chất bán dẫn đã chậm lại đáng kể sau sự bùng nổ do đại dịch gây ra, thúc đẩy lợi nhuận của các nhà sản xuất chip trong vài năm qua.
Có vẻ như phía trước là một con đường khó khăn đối với gã khổng lồ công nghệ trong những tháng tới và cả năm tới, vì bối cảnh những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng và những lo ngại về suy thoái. Chính vì vậy, khả năng lãnh đạo của ông Lee sẽ được coi là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho “gã khổng lồ” công nghệ vượt lên phía trước.
Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang rất khó khăn, như chính nhận định của vị tân Chủ tịch: “Gần đây, nhìn vào thị trường toàn cầu và các địa điểm kinh doanh trong và ngoài nước, tôi cảm thấy tuyệt vọng”.
Và liệu kế hoạch sang thăm “đại bản doanh” Việt Nam có thể sẽ là bước đi cần thiết cho những toan tính sắp tới của Samsung?
Link nội dung: https://pld.net.vn/co-gi-trong-ke-hoach-tham-viet-nam-cua-vi-tan-chu-tich-samsung-a9442.html