Thiếu hụt trầm trọng nguồn cung cát xây dựng

Trong khi nguồn cung sắt thép, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh dồi dào, thậm chí dư thừa thì tình trạng thiếu hụt nguồn cung cát xây dựng đang là trở ngại, khiến nhiều công trình bị ngưng trệ, có khả năng không đạt tiến độ đề ra.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay nguồn cung tất cả các loại vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát… dồi dào, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình xây dựng trong nước và có một phần xuất khẩu.

Tuy nhiên, các loại vật liệu xây dựng thông thường như cát xây dựng, đá xây dựng, đất san lấp hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng do nguồn cung phụ thuộc nhiều vào vùng cung cấp. Mặc khác, đây cũng là loại vật liệu chủ yếu phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

image1-1667487570.png

Thiếu hụt trầm trọng nguồn cung cát xây dựng

Theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng, hiện nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3, trong khi công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng, sự thiếu hụt nghiêm trọng này kéo theo nhiều hệ lụy.

Hiện nay, hàng loạt công trình lớn nhỏ như Cao tốc Bắc – Nam; sân bay quốc tế Long Thành cùng các dự án bất động đã và sẽ được thi công. Vì vậy, nhu cầu về cát xây dựng là cực kỳ lớn, nhưng nguồn cung cấp cát ngày càng cạn kiệt.

Đề cập đến nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường đối với một số dự án trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nhu cầu của dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, vào khoảng hơn 59,5 triệu m3; các dự án đường cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 39 triệu m3.

Đối với dự án sân bay Long Thành, được quy hoạch xây dựng trên diện tích 5.000ha, nhu cầu cát xây dựng khoảng 24 triệu m3, đá làm vật liệu xây dựng thông thường khoảng 50-60 triệu m3.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định, do nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu tăng đột biến trong một thời gian ngắn, trong khi công suất khai thác của các mỏ đã được cấp thấp nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng sẽ khó khăn trong việc cung cấp sản lượng khai thác lớn trong thời gian ngắn. Mặc khác, với việc khai thác đặc biệt là sử dụng bừa bãi, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều đã được dự báo.

Thời gian tới, muốn đảm bảo nguồn cung cấp cát xây dựng cho các dự án thì cần tăng cường kết hợp với sử dụng vật liệu thay thế.

Thiên An

Link nội dung: https://pld.net.vn/thieu-hut-tram-trong-nguon-cung-cat-xay-dung-a9488.html