Tại phiên chất vấn, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) đặt vấn đề, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cử tri cả nước quan tâm. Rất nhiều người người có nhu cầu nhà ở xã hội nhưng nguồn cung thiếu. Với các quy định hiện hành, có nhiều điều kiện, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng điều kiện để tiếp cận nhà ở xã hội.
“Đề nghị Thủ tướng cho biết thời gian tới có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay không?”, đại biểu Luyến đặt câu hỏi.
Thủ tướng cho rằng muốn có nhà ở xã hội thì quan trọng nhất là nguồn lực, phải tháo gỡ cơ chế, nguồn lực để có hợp tác công tư.
“Tôi nói đơn cử một doanh nghiệp muốn mua nhà để cho công nhân thuê lại thì cũng vướng về luật, nên cần rà soát để sửa”, ông nói.
Theo Thủ tướng, ở nhiều nước đã chia nhà ở xã hội thành các nhóm để mua, thuê, thuê mua. Việt Nam chưa có chính sách thuê mua nên cần nghiên cứu thêm. Ai có tiền thì mua nhà ngay, ai không có tiền thì thuê mua. Quá trình thuê trong 10-20 năm là trả xong. Đây là những phương thức cần tính toán thêm.
Về quy hoạch, Thủ tướng cho rằng nếu dự án chung cư cao cấp mà phải dành 20% làm nhà ở xã hội thì cũng có bất cập về hạ tầng và các dịch vụ khác nên các cơ quan cần nghiên cứu phù hợp, sát thực tế và mang tính khả thi hơn.
Trước đó, trong phần báo cáo về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro.
Nguyên nhân chủ yếu, là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu; Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn...
Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém. Đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường; Rà soát nâng cao chất lượng của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần phát triển bất động sản, nhà ở cho đối tượng yếu thế với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Diệu Trang
Link nội dung: https://pld.net.vn/thu-tuong-co-cau-thi-truong-bat-dong-san-chua-hop-ly-mat-bang-gia-tang-cao-thanh-khoan-gap-kho-a9536.html