Ngoáy mũi có thể làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ

Một phát hiện mới cho thấy ngoài tuổi tác thì vi khuẩn và virus có khả năng gây ra các chứng bệnh sa sút trí tuệ, và chúng có thể xâm nhập vào não qua khoang mũi

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Griffith chứng minh rằng vi khuẩn có thể di chuyển qua dây thần kinh khứu giác trong mũi để đi vào não ở chuột, tại đây nó tạo ra những dấu hiệu báo trước bệnh Alzheimer.

Được đăng trên tuần báo Scientific Reports, nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Chlamydia pneumonia sử dụng dây thần kinh kéo dài giữa khoang mũi và não làm đường xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Sau đó, các tế bào trong não phản ứng bằng cách tích tụ protein amyloid beta, một dấu hiệu nhận biết bệnh Alzheimer.

GS James St John, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tế bào gốc và Sinh học Thần kinh Clem Jones, là đồng tác giả của nghiên cứu đầu tiên trên thế giới này.

ed52639d98jpg-1667962415.crdownload

Giáo sư James St John

GS St John cho biết: “Chúng tôi là những người đầu tiên chứng minh được khuẩn Chlamydia pneumoniae có thể đi thẳng lên mũi và tiến vào não, tại đây nó có thể gây ra những bệnh lý giống như bệnh Alzheimer. Chúng tôi nhận thấy điều này xảy ra trong mô hình chuột, và bằng chứng này cũng có khả năng đáng sợ là xảy ra ở người".

Dây thần kinh khứu giác trong mũi trực tiếp tiếp xúc với không khí, tạo ra một con đường ngắn để tới não, vòng qua hàng rào máu não, giúp vi khuẩn và virus dễ xâm nhập vào não.

Đội ngũ ở Trung tâm đã lên sẵn kế hoạch cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, hướng tới mục đích chứng minh con đường tương tự tồn tại ở người.

"Chúng tôi biết những con vi khuẩn giống như vậy đang hiện diện ở người, nhưng chúng tôi chưa tìm ra làm sao chúng tới được đó.”

GS St John khuyên rằng nếu muốn giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer khởi phát muộn thì nên dừng ngoáy mũi và nhổ lông mũi. Bởi làm vậy khiến đường mũi bị tổn thương, làm tăng số lượng vi khuẩn xâm nhập vào não.

Giáo sư cũng cho biết các cách phát hiện tiềm năng với bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ là các bài kiểm tra ngửi, vì mất khứu giác là dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer. Ông đề xuất những người bước sang tuổi 60 tuổi nên thực hiện bài kiểm tra này để phát hiện sớm.

“Khi bạn đã hơn 65 tuổi, yếu tố rủi ro tăng mạnh, nhưng chúng tôi cũng đang quan sát các nguyên nhân khác, bởi vì không chỉ là tuổi tác mà còn do tiếp xúc với môi trường. Và chúng tôi cho rằng vi khuẩn và virus là yếu tố quan trọng.”

Nguồn:

https://news.griffith.edu.au/2022/10/28/new-research-suggests-nose-picking-could-increase-risk-for-alzheimers-and-dementia/

Phương Anh

Link nội dung: https://pld.net.vn/ngoay-mui-co-the-lam-tang-nguy-co-mac-alzheimer-va-benh-sa-sut-tri-tue-a9579.html