Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động sắp bị thanh tra

Theo Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ LĐ-TB&XH, bên cạnh công tác thanh tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thanh tra về an toàn, vệ sinh lao động, về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội... Bộ sẽ tập trung vào thanh tra công tác chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2022 là 8.180 lao động (2.687 lao động nữ), gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 9/2021 là 776 lao động, trong đó 18 lao động nữ). Như vậy, trong 09 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động (37.299 lao động nữ) đạt 114,47% kế hoạch năm 2022, và bằng 240,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

a1-1668527288.jpg

Nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhất là các thị trường trọng điểm đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm.

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động theo hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua,  một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ Xuất khẩu lao động đã không theo đúng quy định pháp luật, không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài.

a2-1668527291.jpg

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa thực hiện đúng quy định pháp luật.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng “lách luật” trong lĩnh vực Xuất khẩu lao động, trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành thanh kiểm tra 24 doanh nghiệp cụ thể trên cả nước về việc chấp hành pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

a3-1668527304.png

a4-1668527301.png

Danh sách 24 doanh nghiệp được Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thanh tra việc chấp hành pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 19 doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã ra quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn của 04 doanh nghiệp do chuẩn bị nguồn đi lao động tại Hàn Quốc theo thị thực E7 nghành đóng tàu khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ, bao gồm: Công ty CP Vạn Xuân VIVANXAN và Công ty CP công nghệ cao Phúc Thái cùng nhận quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 60 triệu đồng, kèm theo đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn 18 tháng. Công ty TNHH MTV Hợp tác Quốc tế xây lắp 3 - INCOOP3 và Công ty TNHH MTV đào tạo và cung ứng nhân lực - HAUI (LETCO) đều bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng, bổ sung hình thức phạt đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn 12 tháng.

a5-1668527306.jpg

Xử phạt 04 doanh nghiệp chuẩn bị nguồn đi lao động tại Hàn Quốc theo thị thực E7 nghành đóng tàu khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ LĐ-TB&XH.

Trước khi hết thời hạn đình chỉ, các công ty này phải báo cáo bằng văn bản gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc chấn chỉnh hoạt động chuẩn bị nguồn theo quy định của pháp luật

Mai Hoàng

Link nội dung: https://pld.net.vn/hang-loat-doanh-nghiep-xuat-khau-lao-dong-sap-bi-thanh-tra-a9682.html