Cần tuân thủ pháp luật
Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh của thị trường TPDN đã xuất hiện một số tồn tại và những vi phạm của một số doanh nghiệp phát hành, điều này dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật và lưu ý như sau:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp phát hành, với nguyên tắc TPDN phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.
Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp. Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.
Thứ hai, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Thứ ba, đối với các nhà đầu tư, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
“Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.
Đặc biệt với các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư TPDN, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành”, Bộ Tài chính thông tin.
Nên có biện pháp ứng cứu thị trường
Theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, trong đó bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
CTCK VCBS ước tính, khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp quý 4/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%). Khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.
“Khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt”, VCBS lưu ý.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích CTCK Nhất Việt cho biết, từ thị trường tài chính Việt Nam nhìn sang Trung Quốc chúng ta sẽ thấy, quốc gia này đang ra các gói hỗ trợ cho thị trường bất động sản và trái phiếu.
Tính từ thời điểm “bom nợ” Evergrande China gặp vấn đề về trái phiếu và đến nay đã trải qua hai năm, thị trường tài chính Trung Quốc cũng đang tương tự như Việt Nam, với thị trường bất động sản chịu áp lực rất lớn. Nếu không có hành động ứng cứu của Chính phủ diễn biến có thể còn tệ hơn và tiếp tục xấu đi.
Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tung ra các gói cứu trợ xuất phát một phần từ áp lực thị trường thế giới đã bắt đầu giảm bớt lên các nền kinh tế khác, khi đồng USD có dấu hiệu yếu đi.
“Do vậy, có giải pháp ứng cứu thị trường ở thời điểm này là một đề xuất rất tốt và nên được thực hiện từ phía Chính phủ Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, có cách xử lý càng sớm sẽ càng tốt hơn cho thị trường tài chính nói chung.
Về phía nhà đầu tư khi tham gia thị trường, phải xác định rất rõ mình ở trạng thái nào, tận dụng phương pháp giúp mình kiếm tiền ra sao, không nên thấy thị trường xấu đi thì lại chuyển hướng đầu tư. Điều quan trọng là có kế hoạch tài chính, chiến lược rõ ràng, chuẩn bị dòng tiền tốt và bình tĩnh trước các cú sốc từ bên ngoài”, ông Hoàng khuyến nghị.
Như vậy, thị trường TPDN vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh rất lớn. Do đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, cơ quan này sẽ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát. Trước mắt, việc triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng với các giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm của thị trường TPDN vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh, hướng tới thị trường hoạt động hiệu quả hơn.
Link nội dung: https://pld.net.vn/som-ung-cuu-thi-truong-truoc-con-bao-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-a9689.html