Thành viên HĐQT Tập đoàn Dabaco “bán chui” cổ phiếu?

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), ông Nguyễn Hoàng Nguyên - thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán DBC) vừa bán ra 110.000 cổ phiếu cổ phiếu DBC từ ngày 14/11 đến 15/11/2022. Tuy nhiên điều đáng chú ý, ông Nguyên chưa có thông báo trước đó về giao dịch này.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) cho biết, ông Nguyễn Hoàng Nguyên - thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa bán xong 110.000 cổ phiếu DBC theo phương thức khớp lệnh, từ ngày 14/11 đến 15/11/2022. Tuy nhiên, cả trên cổng thông tin HoSE và website CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam từ tháng 5 đến nay đều không có thông báo đăng ký bán số cổ phiếu nói trên của ông Nguyễn Hoàng Nguyên.

Theo quy định tại Điều 33 Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu có giá trị dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng từ 200 triệu đồng trở lên thì phải công bố thông tin trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc.

Như vậy, ông Nguyên là người nội bộ thuộc diện phải công bố thông tin đăng ký bán trước khi giao dịch cổ phiếu. Trong thời gian vị lãnh đạo Dabaco "bán chui" cổ phiếu, thị giá cổ phiếu DBC dao động 10.550-11.300 đồng/cổ phiếu. Tạm tính, ông Nguyên có thể thu về khoảng hơn 1,1 tỷ đồng sau giao dịch.

Được biết, số lượng, tỉ lệ cổ phiếu nắm giữ của ông Nguyên trước khi thực hiện giao dịch là 275.402 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,11%. Như vậy, sau khi bán đi 110.000 cổ phiếu, số lượng, tỉ lệ cổ phiếu mà ông Nguyên nắm giữ còn 165.402 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 0,07% vốn điều lệ.

Việc bán trước công bố của lãnh đạo Tập đoàn Dabaco Việt Nam được đặt trong bối cảnh giá cổ phiếu DBC vừa trải qua chuỗi bán tháo. Cụ thể, từ ngày 24/3 đến ngày 15/11, cổ phiếu DBC giảm hơn 71% từ 37.287 đồng về 10.550 đồng/cổ phiếu.

“Bán chui” cổ phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư?

Khi lãnh đạo doanh nghiệp công bố bán cổ phiếu với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng tới giá chứng khoán và tâm lý đầu tư. Khi đó, giá giao dịch thường sẽ bị giảm và việc bán cổ phiếu số lượng lớn phải diễn ra trong khoảng thời gian dài nếu muốn bán được giá, còn nếu bán trong thời gian ngắn thì giá giảm sâu. Chính bởi lí do này đã dẫn đến hiện trạng cố tình “bán chui” cổ phiếu để đem lại giá trị cao nhất cho người bán.

Mặt khác, việc lãnh đạo doanh nghiệp bán cổ phiếu với quy mô lớn cũng có thể cho thấy khả năng doanh nghiệp đó đang gặp vấn đề. Thông thường lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp đang phát triển ổn định chỉ mua vào chứ ít khi bán ra. Hoặc nếu có bán ra thì cũng chỉ ở quy mô nhỏ và có lộ trình rõ ràng để nhà đầu tư biết rằng việc bán ra không phải do triển vọng doanh nghiệp xấu đi.

Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, việc lãnh đạo doanh nghiệp bán ra một lượng cổ phiếu lớn mà không báo cáo sẽ gây ra tâm lý hoảng loạn cho nhà đầu tư. Do không nắm rõ các thông tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ không thể định hình được việc bán ra số lượng lớn cổ phiếu nhằm mục đích gì. Khi đó, hàng loạt nhà đầu tư cũng sẽ bán theo, dẫn tới hệ lụy là giá cổ phiếu giảm.

Đặc biệt, thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục “chìm trong sắc đỏ”, hành vi bán ra lượng cổ phiếu lớn mà không thông báo của lãnh đạo doanh nghiệp có chăng là cách làm để giảm thiểu tối đa thiệt hại về mình?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So tiếp tục thoái vốn khỏi Dabaco Việt Nam

Liên quan tới Tập đoàn Dabaco Việt Nam, kể từ giữa tháng 9 tới nay, lãnh đạo Dabaco liên tục có động thái thoái vốn.

Cụ thể, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT đã bán ra 10 triệu cổ phiếu DBC để giảm sở hữu từ 28,3% về còn 24,16% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 2/11. Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 2/11 là 15.900 đồng/cổ phiếu, ước tính ông So đã thu về số tiền 159 tỷ đồng.

nguyennhuso-2384-1669021375.jpg

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So liên tục thoái vốn khỏi Dabaco Việt Nam

Trước đó, hai người con gái của ông So cũng liên tục bán ra cổ phiếu DBC để giảm sở hữu. Ngày 28/7, bà Nguyễn Thị Tân Hòa đã bán 2 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,05% về còn 2,23% vốn điều lệ; từ ngày 22/8 đến 23/8, bà Nguyễn Thu Hiền đã bán ra toàn bộ 3 triệu cổ phiếu đăng ký để giảm sở hữu từ 2,39% về còn 1,15% vốn điều lệ.

Như vậy, gia đình ông Nguyễn Như So đã bán ra tổng cộng 15 triệu cổ phiếu DBC, tương ứng 6,2% vốn điều lệ tại Dabaco Việt Nam.

Mới đây nhất, ông Nguyễn Như So còn tiếp tục bán thêm vốn cổ phần tại đơn vị khác cho Dabaco Việt Nam để thu tiền mặt. Cụ thể, ngày 15/11, HĐQT Dabaco Việt Nam đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 900.000 cổ phần (trị giá theo mệnh giá 9 tỷ đồng), tương ứng 3,91% vốn điều lệ của CTCP Chế biến thực phẩm Dabaco. Số cổ phần này của ông Nguyễn Như So – Chủ tịch HĐQT CTCP Chế biến thực phẩm Dabaco.

Thông thường, trong bối cảnh cổ phiếu bán tháo, ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có hành động trấn an cổ đông như mua vào đỡ giá cổ phiếu để phát đi tín hiệu cam kết gắn bó với doanh nghiệp, từ đó giúp cổ đông yên tâm nắm giữ cổ phiếu.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo Dabaco liên tục bán ra khối lượng lớn cổ phiếu và giảm sở hữu khi cổ phiếu lao dốc đang phát đi tín hiệu kém tích cực đối với cổ đông bên ngoài.

Năm 2022, Dabaco Việt Nam đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty mới chỉ hoàn thành được 25% kế hoạch lợi nhuận và cách rất xa kế hoạch năm.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, Dabaco Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 21,7 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 620,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 816,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 876,9 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tăng vay nợ.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.

Tiên Tiên

Link nội dung: https://pld.net.vn/thanh-vien-hdqt-tap-doan-dabaco-ban-chui-co-phieu-a9752.html