Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo chủ chốt của Thành phố.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đông Nam Bộ tại Vũng Tàu ngày 26/11, các đại biểu đều thể hiện sự quan tâm, tình cảm, niềm tin đối với TP. Hồ Chí Minh, địa bàn chiến lược, đầu tàu kinh tế cả nước".
Theo Thủ tướng, từng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước bởi dịch COVID-19, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đạt được những kết quả "đáng kinh ngạc". Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tăng hơn 9% (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10%. Bên cạnh đó, công tác thu ngân sách Nhà nước của TP. Hồ Chí Minh cũng đạt kết quả khả quan, ước đạt 457,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 1/3 tổng thu ngân sách cả nước), vượt 18,4% dự toán được giao và tăng hơn 17% so với cùng kỳ. An sinh xã hội được quan tâm, hoạt động đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp quan trọng vào thành quả chung của cả nước, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (dưới 3% trong 10 tháng). Tăng trưởng kinh tế 9 tháng của TP. Hồ Chí Minh đạt 8,83%, các cân đối lớn được bảo đảm: thu đủ chi, vượt thu so với kế hoạch; xuất đủ nhập (đến hết tháng 10, cả nước xuất siêu 9,4 tỷ USD). Nhấn mạnh về yếu tố cân đối lương thực (xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD, xuất khẩu gạo hơn 7 triệu tấn), Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp, giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là mặt hàng ăn uống chiếm tỷ lệ không nhỏ trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá.
Thủ tướng lấy ví dụ, về điều hành giá thị lợn khi giá mặt hàng này sụt giảm mạnh, với mục tiêu để người nông dân yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn cung, nhất là chuẩn bị vào dịp cuối năm, dịp Tết sắp tới, Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời, phù hợp. "Việc này phải tuân thủ quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, Nhà nước phải can thiệp để không xảy ra khủng hoảng" - Thủ tướng nêu rõ.
Về các bất cập, khó khăn liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, theo đúng quy định của pháp luật. "Ai làm sai thì phải xử lý, ai làm tốt thì bảo vệ, xử lý người làm sai để bảo vệ người làm tốt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp" - Thủ tướng nêu rõ.
"Trong thành tích chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của TP. Hồ Chí Minh, một đầu tàu kinh tế, động lực phát triển của đất nước. Qua đó truyền cảm hứng cho sự phát triển chung" - Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh. Theo Thủ tướng, có nhiều việc phải xử lý, giải quyết để hỗ trợ, tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh phát triển nhưng cần chọn một số việc xử lý trước. Đó là giải ngân vốn đầu tư công, một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm và năm nay, việc giải ngân càng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành với TP. Hồ Chí Minh để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, cùng Thành phố đưa nguồn lực này vào phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh: "Đã nói thì phải làm, làm thì phải có hiệu quả, hiệu quả là phải mang lại sự phát triển cho Thành phố, cho người dân, cho doanh nghiệp".
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Về Dự án Bến Lức – Long Thành, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương triển khai thi công lại, đưa dự án vào khai thác chậm nhất Quý III năm 2025.
Ngày 14/10/2022, Ủy ban tổ chức làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA), Nhà thầu Nhật Bản và VEC. Theo đó, các bên thống nhất tái khởi động thi công gói thầu J1 song song với quá trình xác định/thống nhất chi phí dừng chờ nếu có trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng và thực tiến triển khai dự án. Trên cơ sở đó, ngày 27/10/2022, Ủy ban đã ban hành văn bản số 1711/UBQLV-CNHT chỉ đạo VEC tái khởi động thi công gói thầu J1 và phấn đấu hoàn thành đưa toàn bộ Dự án vào khai thác, vận hành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại, Nhà thầu thi công gói thầu J1 (Nguồn vốn JICA) đã triển khai thi công lại từ ngày 29/10/2022. Mặt khác, Ủy ban đã yêu cầu VEC phối hợp với các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị thi công hoàn thành các gói thầu: A1 (81,24%); A2-1(93,90%); A2-2(68,47%); A3 (93,38%; A4 (78,10%) phấn đấu hoàn thành đưa đoạn tuyến Km0+000 – Km21+000 vào khai thác vận hành trong năm 2023.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2025. Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét, trình Thủ tướng chấp thuận phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm nội dung: VEC sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ của các khoản vay hoặc VEC tự huy động vào cơ cấu nguồn vốn đầu tư của Dự án. Hiện tại, Bộ GTVT đã tích hợp, tham chiếu ý kiến của Ủy ban tại Tờ trình 12266/TTr-BGTVT ngày 23/11/2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phương án đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, nhằm mục đích khắc phục tình trạng mãn tải, thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, đặc biệt khi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác vận hành, và trên cơ sở đề nghị của VEC, Ủy ban đã có văn bản số 1676/UBQLV-CNHT ngày 14/10/2022 có ý kiến về đầu tư mở rộng Dự án.
Theo đó, Ủy ban nhận định phương án đầu tư theo hình thức VEC tự huy động vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là phương án mang tính thực tiễn và khả thi nhất, cụ thể: (1) Không sử dụng vốn đầu tư công, giảm thiểu áp lực đối với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; (2) Không tạo xung đột lợi ích; (3) Các tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc đang định hướng VEC là Chủ đầu tư quản lý khai thác; (5) Phù hợp với mục tiêu hành thành VEC, phát huy lợi thế của VEC hiện đang là Chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác, việc tiếp tục giao VEC làm Chủ đầu tư mở rộng tuyến đường sẽ đảm bảo tính đồng bộ của toàn Dự án; (5) Thời gian thực hiện đáp ứng được nhu cầu cấp bách hiện nay.
Về nội dung về Dự án đầu tư – xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Ủy ban kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan thống nhất để sớm bàn giao mặt bằng. Sau khi nhận mặt bằng thi công, Ủy ban sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết.
Về nội dung thực hiện việc ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng khu vực thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như khu vực miền Nam nói chung; đồng thời, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Ủy ban đề nghị các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu duy trì hoạt động ổn định, đúng như cam kết để không gây áp lực lên hệ thống bán lẻ của Petrolimex trong địa bàn thành phố; đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Ủy ban kiến nghị Chính phủ xem xét, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là trong thời gian vừa qua.
Về nội dung Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội, Ủy ban đề xuất xem xét việc duy trì (đóng/mở) hoạt động của khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội trong điều kiện Cảng Sài Gòn phải tiếp nhận các tàu quân sự, tàu khách quốc tế và các tàu thương mại phục vụ kinh tế xã hội của TP. Hồ Chí Minh khi các cảng trong khu vực hiện nay chưa thể tiếp nhận/thay thế; đồng thời, xem xét tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 cho phù hợp để có thể tiếp tục khai thác có hiệu quả bến tàu khách quốc tế tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội nhằm phát triển du lịch thành phố.
*Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra, khảo sát một số dự án trọng điểm phát triển hạ tầng tại TP Hồ Chí Minh: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50.
P.V
Link nội dung: https://pld.net.vn/thu-tuong-chinh-phu-lam-viec-voi-tp-ho-chi-minh-ve-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-a9818.html