Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 22 đã phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an TP Hà Nội và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của Hộ kinh doanh Quang Định ở địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1 tấn ức vịt và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết của cơ sở là 37,2 triệu đồng.
Với vi phạm trên, cơ quan chức năng đã xử phạt Hộ kinh doanh Quang Định số tiền 25 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy 1,18 tấn ức vịt và cánh gà đông lạnh.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô cực lớn trên địa bàn huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Bên trong các thùng hàng chủ yếu chứa các sản phẩm thực phẩm đã qua sơ chế như chân gà, móng lợn, dê muối và nhiều đùi lợn muối Tây Ban Nha… Một điểm chung là tất cả sản phẩm đều có xuất xứ ở nước ngoài và đều là lô hàng 3 không: không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Trên thực tế rất khó để phát hiện ra đây là thực phẩm bẩn nhưng phần tem mác in ở bao bì cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn từ 01 năm, thậm chí là gần 02 năm.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không đảm bảo lưu thông trên thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào những tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, trong tháng 10 và 11/2022, các Đội Quản lý thị trường quản lý địa bàn đã tiến hành 25 đợt kiểm tra hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Qua đó, tỉnh Tiền Giang đã xử lý 22/25 vụ vi phạm và thu phạt gần 35 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán thực phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 5,5 độ trở lên với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không niêm yết giá hàng hóa.
Cũng trong đợt cao điểm, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã liên tiếp phát hiện và xử lý gần 40 vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 triệu đồng và tiêu hủy hơn 5 tấn thực phẩm không đủ điều kiện an toàn lưu thông.
Theo kết quả kiểm tra tháng 11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra 59 vụ, xử lý 35 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 422,5 triệu đồng, tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 635,8 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá hàng hóa.
Còn tại Phú Yên, theo thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Quản lý thị trường đã tổ chức tiêu hủy 06 đợt hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu, với tổng trị giá trên 9,1 tỷ đồng. Việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là thực hiện đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Mai Hoàng
Link nội dung: https://pld.net.vn/ha-noi-phat-hien-118-tan-uc-vit-canh-ga-dong-lanh-khong-ro-nguon-goc-a9862.html