Thúc đẩy tự do kinh doanh là yêu cầu tất yếu của Việt Nam hiện nay

Tự do kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện nay các bất ổn toàn cầu kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu thì sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Sáng ngày 6/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), trực thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã thảo luận về các rào cản, khó khăn khi thực hiện mở rộng quyền tự do kinh doanh cũng như thách thức đối với quá trình tự do hoá kinh tế toàn cầu tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra ý kiến, giải pháp góp phần hoàn thiện chiến lược, chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh hướng tới phát triển bền vững.

1-1670335547.jpg

PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, từ năm 2014, cùng với sự ra đời của Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách quan trọng và thường xuyên.

Qua 8 năm nỗ lực cải cách hướng tới thị trường tự do và cải thiện môi trường kinh doanh, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng”. Thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc, xếp thứ 78 (năm 2014) lên vị trí 6 (năm 2019), chỉ số tự do kinh tế năm 2022 cũng tăng 6 bậc từ vị trí 84 từ vị trí 90.

“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi mà nền kinh tế toàn cầu bất ổn kèm theo nguy cơ suy thoái thì sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam cũng gặp thách thức. Đây là thời điểm rất quan trọng để đánh giá lại các thách thức toàn cầu và khu vực Châu Á nói chung, và đối với quyền tự do kinh doanh và các cải cách thể chế của Việt Nam nói riêng”, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá.

Tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại

Chia sẻ tại hội thảo, bà Hoàng Minh Thảo, chuyên gia về Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giai đoạn 2014 - 2015, Chính phủ đã đưa ra 40 văn bản chỉ đạo về cải thiện môi trường kinh doanh. Từ đó, các bộ, ngành đã có sự vào cuộc, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.

"Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, có thể do tác động của dịch bệnh nên tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại", bà Hoàng Minh Thảo thông tin.

Thậm chí, theo bà Hoàng Minh Thảo, mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên trong những năm gần đây, mức độ này ở Việt Nam chỉ thấp hơn mỗi Lào và Campuchia, còn lại cao hơn tất cả các quốc gia còn lại của ASEAN. Điều này cho thấy, quyền tự do kinh doanh của Việt Nam chưa được đảm bảo.

Ông Fred Mcmahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada) nhận định, tự do kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tự do kinh tế gắn liền với xã hội lành mạnh hơn, môi trường trong sạch hơn, GDP bình quân đầu người cao hơn, phát triển con người, dân chủ và xóa đói giảm nghèo.

5-1670335874.jpg

Ông Fred Mcmahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada)

Thực tế cho thấy, trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã từng bước hình thành những điều kiện cần thiết để tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn thông qua việc thừa nhận sở hữu tư nhân và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển; cải thiện quyền tự do giao dịch, lao động; tự do tiền tệ; tự do đầu tư; giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài và có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, chuyển đổi, cho hoặc tặng, góp vốn để kinh doanh; nỗ lực hình thành đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế…

Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, xếp hạng Tự do kinh tế đối với Việt Nam theo đánh giá của Viện Fraser luôn nằm dưới thứ hạng 100. Mặc dù qua các năm, điểm số và thứ hạng có cải thiện nhẹ, nhưng vẫn rất thấp, điều này thể hiện hiệu quả thị trường vẫn còn kém.

Cụ thể, năm 2000 Việt Nam đạt 5,58 điểm và thứ hạng 105; năm 2010 đạt 5,9 điểm và thứ hạng 128; năm 2015 Việt Nam đạt 6,04 điểm với thứ hạng 126. Năm 2022 theo xếp hạng Tự do kinh tế 2022, Việt Nam ở vị trí cuối bảng, xếp thứ 113/165 nền kinh tế, với 6,42 điểm (thang điểm 10).

“Với kết quả này, hiệu quả thị trường ở Việt Nam bị giới hạn nhiều bởi yếu tố thể chế, trong đó, quyền tài sản chưa được bảo đảm (điểm số và thứ hạng thấp - 82). Hiện còn tồn tại nhiều trở ngại trong thực hiện giao dịch thương mại quốc tế (thứ hạng thấp 107) và rào cản, bất cập về thể chế (quy định) đối với các hoạt động kinh doanh (điểm số và thứ hạng rất thấp – thứ 112)”, ông Fred Mcmahon cho biết.

Theo đó, ông Fred Mcmahon cho rằng việc cải thiện thể chế, thúc đẩy tự do kinh doanh là yêu cầu tất yếu của Việt Nam hiện nay. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 25%/mỗi năm trong suốt nhiều năm qua, đây là một mức tăng trưởng khá tốt.

Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh và bền vững hơn, không còn cách nào khác là Việt Nam cần phải tập trung cải cách kinh tế, cải cách thị trường. Muốn làm được như vậy, thúc đẩy tự do kinh doanh đóng vai trò quan trọng, từ đó sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.

4-1670335548.jpg

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM nhận định, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra vào cuối năm 2023 và năm 2024, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến suy giảm tiêu dùng, cắt giảm đơn hàng nhập khẩu tại một số quốc gia trên thế giới sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam, khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất để phù hợp với bối cảnh mới.

Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, thúc đẩy tự do kinh doanh, nâng cao độ an toàn kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả thị trường là yêu cầu cấp thiết.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia kiến nghị, môi trường kinh doanh ở Việt Nam cần có công bằng hơn giữa các khối doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hay giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước… Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hộ kinh doanh có mong muốn được phát triển lên thành các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Điều này cũng sẽ góp phần vào việc duy trì tốc tăng trưởng GDP bền vững của Việt Nam.

Linh Nguyễn

Link nội dung: https://pld.net.vn/thuc-day-tu-do-kinh-doanh-la-yeu-cau-tat-yeu-cua-viet-nam-hien-nay-a9898.html