Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm

Những năm qua, công tác kiểm soát các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường luôn được lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Qua đó, góp phần từng bước đẩy lùi thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi, sức khoẻ người tiêu dùng.

luc-luong-chuc-nang-kiem-tra-so-hang-hoa-khong-co-nguon-goc-xuat-xu-pld-1709524033.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Internet

Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm 'bẩn'

Thời gian qua, lực lượng liên ngành TP. Hà Nội thực hiện kiểm tra khá chặt và liên tiếp bắt giữ các vụ tập kết, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn", không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm,… Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Gần đây nhất là 28/2, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội vừa kịp thời ngăn chặn hơn 2 tấn thực phẩm đông lạnh (kê gà), không rõ nguồn gốc đang trên đường đi tiêu thụ.Cụ thể, ngày 27/02/2024, Tổ công tác số 5, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến Quốc lộ 32 - địa phận Hà Nội. Tại đây, Tổ công tác tiến hành dừng, kiểm soát ô tô tải thùng kín biển kiểm soát 15C-30xxx, do anh Đ.N.Q (SN 1996, trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) điều khiển, tham gia giao thông theo chiều từ trung tâm thành phố đi Sơn Tây…

Tiến hành kiểm tra phương tiện, tổ công tác phát hiện trên thùng xe tải có 200 thùng carton (khối lượng khoảng 2.400 kg) được dán kín, bên ngoài vỏ thùng ghi tem chữ nước ngoài.

Qua làm việc, lái xe khai báo toàn bộ lô hàng trên là kê gà đông lạnh, được một người không quen biết thuê chở từ Hải Dương về Sơn Tây (TP. Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Q. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thực phẩm trên…

Trước đó, ngày 17/1/2024, Đội 7 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở tập kết và kinh doanh thực phẩm của Trần Văn Đức, ở thôn Thuỵ Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín có 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn. Ghi nhận tại kho, một số mỡ đã đổi màu và chảy nước. Toàn bộ số hàng hoá này không có hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cuối năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an xã Uy Nỗ, Công an huyện Đông Anh kiểm tra Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại thôn Ấp Tó, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thu giữ gần 1 tấn hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có những sản phẩm "kẹo hình mắt người" mà dư luận quan tâm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trước những vụ việc nêu trên, mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về việc tuyên truyền công tác an toàn thực phẩm TP. Hà Nội năm 2024.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị các Sở, ban, ngành, các địa phương tập trung tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác an toàn thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về an toàn thực phẩm người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng Thủ đô nhằm hạn chế các vụ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Nội dung tuyên truyền cũng hướng đến nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền về thực trạng công tác an toàn thực phẩm và công tác triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội; tuyên truyền các tấm gương điển hình của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn,…

UBND TP. Hà Nội đề nghị công tác an toàn thực phẩm cần được tuyên truyền qua đa dạng các hình thức như: tuyên truyền trên báo chí; cổng thông tin điện tử; hệ thống thông tin cơ sở; trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tuyên truyền trực tiếp, cổ động trực quan…

Các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch số 71/KH-UBND. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền công tác triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm trong các nhóm dân cư, phát huy các kênh thông tin cơ sở tại thôn, tổ dân phố (mạng xã hội, loa nội bộ, bảng tin công cộng...); vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác bảo đảm an toàn thực phẩm …

Diệu Anh

Link nội dung: https://pld.net.vn/tang-cuong-cong-tac-kiem-tra-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-a15964.html