Đề xuất sửa đổi cơ sở xác định giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải

07/03/2024 11:25

Theo dõi trên

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

bo-giao-thong-van-tai-de-xuat-sua-doi-quy-dinh-ve-co-so-xac-dinh-gia-dich-vu-hoa-tieu-hang-hai-pld-1709785399.jpg
Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi quy định về cơ sở xác định giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải

Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi Luật Giá có hiệu lực, Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ngày 25/12/2023 của Bộ Giao thông vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam sẽ phải sửa đổi cho phù hợp với Luật Giá mới. 

Trong đó: Nội dung về khung giá, giá tối đa sẽ được ban hành bằng Quyết định hành chính; nội dung quy định về cơ chế, chính sách, cơ sở tính giá sẽ được ban hành bằng Thông tư.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam nhằm bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật giá năm 2023 và các văn bản quy phạm khác có liên quan, các quy định của công ước, điều ước quốc tế.

Cơ sở xác định giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải

Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi cơ sở tính giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải (thay vì khung giá). Lý do sửa đổi, theo Bộ Giao thông vận tải, Luật Giá năm 2023 giao Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải (không quy định giá tối thiểu), do vậy dự thảo Thông tư đề xuất sửa cơ sở tính giá tối đa dịch vụ hoa tiêu cho phù hợp với quy định mới.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cơ sở xác định giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải như sau:

Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải được quy định bằng các hình thức như sau:

a- Giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải được tính theo từng lượt dẫn tàu; (*)

b- Giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải được tính bằng tích số của giá dịch vụ tương ứng với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền; riêng đối với dịch vụ hoa tiêu hàng hải áp dụng đối với tàu thuyền di chuyển trong cảng mà khoảng cách dẫn tàu dưới 5 hải lý thì được tính bằng tích số của giá dịch vụ tương ứng với tổng dung tích của tàu thuyền. (**)

Dự thảo nêu rõ, trường hợp giá dịch vụ hoa tiêu tính theo quy định (**) thấp hơn giá theo lượt quy định (*), doanh nghiệp được áp dụng bằng giá cho một lượt dẫn tàu.

Dự thảo nêu rõ, tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ hoa tiêu, trong đó: Đối với tàu thuyền chở hàng lỏng: dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định, không phân biệt tàu có hay không có két nước dằn.

Đối với tàu thuyền chở khách: dung tích toàn phần tính bằng 50% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định.

Các trường hợp tính giá

Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các trường hợp tính giá như sau:

1- Khi yêu cầu dịch vụ hoa tiêu hàng hải, người yêu cầu hoa tiêu phải báo cho tổ chức hoa tiêu trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu tối thiểu là 06 giờ; đối với cảng dầu khí ngoài khơi phải báo cho tổ chức hoa tiêu trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu tối thiểu là 24 giờ. 

Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc hủy bỏ yêu cầu hoa tiêu, người yêu cầu hoa tiêu phải báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến tối thiểu là 03 giờ; đối với cảng dầu khí ngoài khơi là 08 giờ.

2- Hoa tiêu đã hoàn thành việc dẫn tàu, nếu thuyền trưởng vẫn giữ hoa tiêu lại sẽ tính thêm tiền chờ đợi và tiền chờ đợi được tính theo số giờ giữ lại thực tế.

3- Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu mà người yêu cầu hoa tiêu hủy bỏ yêu cầu hoa tiêu thì người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó theo giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

4- Tàu thuyền có hành trình để thử máy móc thiết bị, hiệu chỉnh la bàn thì áp dụng bằng 110% giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

5- Tàu thuyền không tự vận hành được vì lý do sự cố kỹ thuật mà phải sử dụng tàu lai thì áp dụng bằng 150% giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

6- Tàu thuyền yêu cầu hoa tiêu đột xuất (ngoài quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5) thì áp dụng bằng 110% giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

7- Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu nhưng tàu thuyền không vận hành được vì lý do bất khả kháng có cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận thì giá dịch vụ hoa tiêu bằng mức giá tối thiểu theo lượt dẫn tàu.

8- Tàu thuyền phải dịch chuyển giữa các cầu cảng trong phạm vi bến cảng theo yêu cầu của giám đốc doanh nghiệp cảng thì áp dụng theo giá dịch vụ hoa tiêu dịch chuyển trong cảng đối với tàu thuyền hoạt động hàng hải theo giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

9- Tàu thuyền hoạt động vào, rời khu vực hàng hải lấy nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt, thay đổi thuyền viên, sửa chữa, phá dỡ hoặc chạy thử sau khi sửa chữa hoặc đóng mới mà không bốc dỡ hàng hóa, không đón, trả khách, áp dụng tối đa bằng 70% theo giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất sửa đổi cơ sở xác định giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải" tại chuyên mục Giao thông. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com