Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công dự án giao thông

10/02/2023 09:27

Theo dõi trên

Với số vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lên đến hơn 94.000 tỷ đồng, tăng cao so với năm 2022, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân được đánh giá là thách thức không nhỏ. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan, đơn vị liên quan, cần có giải pháp đột phá, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dự kiến khởi công 24 dự án, hoàn thành 29 dự án

Năm 2022, kết quả giải ngân vốn ĐTC của Bộ GTVT đạt 96,2 %, bảo đảm mục tiêu tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cao hơn mức bình quân cả nước (trung bình cả nước đạt khoảng 92,7%). Theo Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT), tổng số vốn kế hoạch được giao năm 2023 của Bộ là hơn 94.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021. Đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục đạt 99,97% tổng số vốn. Theo ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT): Năm 2023, Bộ GTVT dự kiến khởi công 24 dự án, hoàn thành 29 dự án. Trong đó có 7 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 (các đoạn: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2). Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác giải ngân, cần tiếp tục thúc đẩy các dự án thành phần hoàn thành vào năm 2024 và 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, cùng với đó là một số dự án trọng điểm khác.

anh17865945pm-1675935212-1675995794.jpg

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: THÀNH TRUNG

Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn là một trong 12 dự án của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. Dự án này được chia thành 3 gói thầu, trong đó, gói thầu số 1 đã khởi công ngày 1-1-2023. Bắt tay ngay vào triển khai dự án, đơn vị đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu này là Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 50 đầu thiết bị, máy móc cùng hàng trăm nhân sự đến hiện trường và triển khai 5 mũi thi công. Tuy nhiên, mặc dù địa phương đã bàn giao đến 70% mặt bằng cho nhà thầu nhưng chưa thể triển khai thi công đồng bộ. Nguyên nhân là do tại một số vị trí mặt bằng bàn giao còn “xôi đỗ” và chưa có đường tiếp cận. Bên cạnh đó, nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu còn hiện hữu. Theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu (đất, cát, đá...) cần khoảng 13,9 triệu mét khối nhưng trữ lượng ở các mỏ vật liệu hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, còn 4 mỏ với trữ lượng khoảng 1,23 triệu mét khối sử dụng cho dự án vẫn chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch.

Với đặc thù của các dự án hạ tầng giao thông, nhất là tuyến cao tốc Bắc-Nam có phạm vi thi công lớn, giải pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ là tăng cường mũi thi công. Tại các vị trí có mặt bằng thuận lợi, nhà thầu cần bổ sung thêm mũi thi công, có thể thực hiện cuốn chiếu, các hạng mục nối tiếp nhau thay vì chờ tuần tự trên công trường. Cơ quan chức năng của Bộ GTVT cũng đề nghị chủ đầu tư, ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch chi tiết về huy động thiết bị, nhân lực, tổ chức thi công.

Tập trung gỡ vướng mặt bằng, vật liệu xây dựng

Để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC của các dự án giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh một số nguyên tắc, trước hết, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng càng nhanh càng tốt như với dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chủ động bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất, sớm khởi công, tăng tốc thi công. Việc bố trí vốn sẽ được Bộ GTVT bảo đảm đầy đủ, quan trọng là đẩy nhanh thi công, sẵn sàng kế hoạch, nhân lực, thiết bị.

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng là đầu mối tiếp nhận thông tin, khó khăn, vướng mắc và tham mưu giải pháp. Trong đó, tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các đơn vị liên quan cũng cần bảo đảm tiến độ nghiệm thu, hoàn tất thủ tục thanh toán cho nhà thầu. Với số vốn ĐTC năm 2023, bình quân mỗi tháng Bộ GTVT cần giải ngân 8.000 tỷ đồng, một con số rất lớn, do vậy, tháng nào không đạt mục tiêu sẽ gây áp lực bù vào những tháng tiếp theo. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án cần chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng. Nhà thầu nào không đạt yêu cầu phải có chế tài xử lý ngay. Đồng thời, các đơn vị là đại diện chủ đầu tư cần có phương thức quản lý mới, hiệu quả, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát các dự án, giúp quá trình triển khai đáp ứng tiến độ, chất lượng, an toàn.

Bạn đang đọc bài viết "Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công dự án giao thông" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com