Bài 2: Nhà xe Thành Bưởi công khai thách thức pháp luật khi đang bị kiểm tra - Thế lực nào 'chống lưng'?

Hồng Đức

29/10/2023 20:57

Theo dõi trên

Có hay không hành vi bảo kê, chống lưng cho nhà xe Thành Bưởi của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất trong khi thực thi công vụ? Các cơ quan chức năng đang vào cuộc và sẽ làm rõ những uẩn khúc, những góc tối trong hoạt động và quản lý vận tải hành khách ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam để đưa hoạt động này đúng quy định pháp luật, lành mạnh vì an toàn và lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

1thanhbuoi-1698550078198672869960-1698552109850-16985521101141366791023-1698587349.jpeg

Nhà xe Thành Bưởi ở 266-268 Lê Hồng Phong cạnh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM. Ảnh VGP/ Hồng Đức

Thế lực nào "chống lưng" cho nhà xe Thành Bưởi?

Như đã phản ánh trong bài 1, dù Sở Giao thông vận tải TPHCM công bố kiểm tra hãng xe Thành Bưởi từ ngày 5 đến 18/10, thậm chí sau đó lực lượng Công an TPHCM đồng loạt kiểm tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng nhà xe này bất chấp tất cả, công khai tổ chức đưa đón khách tại các bến lậu trước sự ngạc nhiên của các cơ quan chức năng và nhiều người.

Đến đây mọi người đặt câu hỏi, thế lực nào mạnh mẽ như vậy để có thể "chống lưng" cho nhà xe này ngang nhiên vi phạm pháp luật trong khi đang bị công an kiểm tra.

"Chưa ai dám nhốt xe tôi" - Câu tuyên bố mang tính "kinh điển" của ông Lê Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi 10 năm trước khẳng định như vậy khi báo chí đặt vấn đề về tính hợp pháp của những chiếc xe gắn mác "Xe hợp đồng" nhưng chở khách - tức là tổ chức "xe dù".

Việc tổ chức bến bãi lậu diễn ra công khai hàng chục năm qua ở nhiều địa phương, ai cũng biết, nhưng nó vẫn tồn tại, và ngày càng bành trướng hơn. 

Nhiều người dân đã hỏi: Cơ quan quản lý chuyên ngành là Sở Giao thông vận tải và Thanh tra Sở Giao thông vận tải của TPHCM có biết không mà mặc nhiên để cái xấu tồn tại? Nếu phải xử lý thì chỉ là hình thức, chiếu lệ, qua loa…?

Ngay sau khi nhà xe Thành Bưởi gây tai nạn thảm khốc làm chết 5 người và nhiều người bị thương ở Đồng Nai ngày 30/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 902 chỉ đạo khắc phục vụ tai nạn và các cơ quan chức năng phải làm rõ các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để không xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc tương tự. Từ đó, các cơ quan chức năng mới thực sự vào cuộc.

Từ đó, Báo chí và dư luận bắt đầu nói nhiều về những sai phạm trắng trợn, có hệ thống, liên tiếp, trong thời gian dài, trên nhiều địa bàn ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, …của nhà xe Thành Bưởi.

Ngày 17/10, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức đã có văn bản gửi Ban An toàn giao thông, công an, phòng ban chuyên môn và 34 phường trên địa bàn TP. Thủ Đức yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô tô.

Đối với khu vực có bãi xe tự phát và điểm trông giữ ô tô, ông Hoàng Tùng yêu cầu địa phương phối hợp công an, thanh tra giao thông kiên quyết xử lý dứt điểm các bãi trông giữ phương tiện, bãi đậu xe tạm có tổ chức đón trả khách.

Trong đó, điển hình là bãi xe của nhà xe Thành Bưởi tại số 97 Mai Chí Thọ và đường trục chính vào khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (phường An Phú), đường Liên Phường thuộc 2 phường Phước Long B và Phú Hữu.

Đến ngày 23/10, Đoàn kiểm tra của Cục Đường bộ Việt Nam đã công bố quyết định kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô của Sở Giao thông vận tải TPHCM nhằm thực hiện các công văn của Bộ Giao thông vận tải, triển khai Công điện ngày 30/9 của Thủ tướng về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai do xe khách Thành Bưởi gây ra.

Nội dung kiểm tra bao gồm việc chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới; văn bản số 8111/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về tăng cường kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định trên địa bàn.

Đoàn cũng kiểm tra việc tổ chức quản lý hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô, bao gồm cả việc cập nhật, đối chiếu thông tin đảm bảo tính chính xác dữ liệu của các đơn vị kinh doanh vận tải trên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, như Báo điện tử Chính phủ đã phản ánh, bất chấp lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt kiểm tra, bến lậu của nhà xe Thành Bưởi tại số 97 Mai Chí Thọ vẫn hoạt động đón xe trung chuyển tấp nập.

2thanhbuoi-1698550263324881134649-1698552111834-16985521119831360696908-1698587348.jpeg

Bến lậu của Nhà xe Thành Bưởi. Ảnh VGP/Hồng Đức

Nhà xe Thành Bưởi tấp nập đón khách sau khi đoàn kiểm tra Công an TPHCM rời đi

Tương tự sự tấp nập trung chuyển khách ra "bãi xe" trái phép ở 97 Mai Chí Thọ, trụ sở nhà xe Thành Bưởi ở Lê Hồng Phong nhộn nhịp không kém. Tại đây, hãng xe này có hai trụ sở gần nhau nên lượng khách tập trung hàng trăm người mỗi ngày, xe ra vào rước khách cứ 5-10 phút có một chuyến. Xin nhấn mạnh rằng các địa điểm kể trên không phải là bến xe họp pháp mà chi là "bến cóc" do nhà xe lập ra để đón khách, nhằm trốn thuế và phí theo quy định.

Tối ngày 25/10, chúng tôi trở lại nhà xe Thành Bưởi ở 266-268 Lê Hồng Phong. Tại đây, từ 19h đến 23h30 chúng tôi ghi nhận 58 chuyến xe đón khách ngay tại nhà xe rồi nhanh chóng rời trạm để một xe khác thế chỗ.

Thậm chí, từ 22h tối 26/10, sau khi đoàn kiểm tra của Công an TPHCM rút đi thì mọi hoạt động đón khách ngay tại trụ sở nhà xe Thành Bưởi tại số 266-268 Lê Hồng Phong và 630 Điện Biên Phủ đã trở lại bình thường, tấp nập.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên điều tra, quy trình đón khách ngay tại nhà xe này lặp đi lặp lại liên tục trong nhiều ngày đêm từ 14/10 đến sáng 27/10 như chưa hề có việc đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng TPHCM làm việc.

3thanhbuoi-16985504328881403890190-1698552112837-16985521129691367943574-1698587349.jpeg

Nhà xe Thành Bưởi tấp nập đón khách. Ảnh VGP/Hồng Đức

Chị LTT (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết chị hay đi xe của nhà xe Thành Bưởi cho tiện vì không cần phải ra bến. "Khi tôi gọi đến tổng đài nhà xe Thành Bưởi, sau khi nhân viên hỏi đi về đâu thì hỏi tên tuổi số điện thoại rồi hẹn khách đến ngay nhà xe ở số 266-268 Lê Hồng Phong hoặc 630 Điện Biên Phủ. Trước đây thì họ đón tôi ngay ở hai trạm này lên xe giường nằm đi luôn"- chị T cho hay.

Còn anh VVN (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ: "Tôi hay đi nhà xe này vì chỉ cần gọi đặt vé hoặc lên mua vé là lên xe ngay ở trạm Điện Biên Phủ. Tôi đi hãng này cả chục năm rồi. Gần đây nghe có thanh tra vì xe đón khách trái phép nên khi tôi đi Đà Lạt thì họ sẽ đưa lên xe trung chuyển ra bãi xe ở Mai Chí Thọ để lên xe giường nằm".

Nhóm phóng viên điều tra của Báo Điện tử Chính phủ đã mất nhiều công sức để di theo những đoàn xe dù của nhà xe Thành Bưởi trong nhiều ngày, đi cả ngày lẫn đêm, ghi nhận toàn bộ quy trình khép kín và tinh vi của nhà xe này nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.

Hàng chục ngày lăn lộn với nhà xe Thành Bưởi từ TPHCM đi các tỉnh, chúng tôi "không may mắn" khi chưa một lần chứng kiến nhà xe Thành Bưởi bị kiểm tra kiểm soát của các lực lượng chức năng. Nhất là tại TPHCM, thanh tra ngành giao thông vận tải dường như đi vắng hết, để cho nhà xe thoải mái tung hoành.

4thanhbuoi-16985505123331793604792-1698552113833-1698552114006928543834-1698587349.jpeg

100% xe TPHCM đi Đà Lạt của hãng này có thể đều là xe hợp đồng trá hình. Ảnh VGP/Hồng Đức

Dấu hiệu trốn thuế đặc biệt lớn của nhà xe Thành Bưởi

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Tạ Chương Chín, Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông xác nhận, đối với tuyến chủ đạo TPHCM - Đà Lạt, nhà xe Thành Bưởi đã không còn hợp đồng trong Bến xe Miền Đông.

Điều này đồng nghĩa với việc, 100% xe TPHCM đi Đà Lạt của hãng này có thể đều là xe hợp đồng trá hình. Như vậy, tại TPHCM, nhà xe Thành Bưởi chỉ hoạt động 01 tuyến duy nhất trong bến xe là tuyến Bến xe Miền Tây - Bến xe Cần Thơ.

Nhà xe Thành Bưởi tạm ngưng hoạt động từ 29/10

Tối 28/10, nhà xe Thành Bưởi thông báo trên Fanpage sẽ ngừng vận chuyển khách từ 5h sáng chủ nhật 29/10.

Sáng 29/10, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã liên hệ qua đường dây nóng của Thành Bưởi. Hiện số 1900.6079 vẫn hoạt động. Nhân viên tư vấn cho biết hãng này hiện chỉ còn 3 chuyến duy trì vào chiều cùng ngày (15 giờ, 17 giờ và 19 giờ). Sau đó, tất cả các tuyến TP.HCM - Đà Lạt, TP.HCM - Cần Thơ, Đà Lạt - Cần Thơ đều ngưng.

Nhân viên tổng đài cho biết chuyến cuối cùng vận chuyển hành khách là 2h sáng 29/10.

Hãng xe Thành Bưởi cũng thông báo sẽ chuyển khoản lại tiền cho khách hàng đã chuyển trước đó sớm nhất.

Ghi nhận của phóng viên vào sáng 29/10, tại các nhà xe của Thành Bưởi không còn đón khách.

Trước đó trưa ngày 26/10, Công an TPHCM đã đồng loạt kiểm tra trụ sở và các chi nhánh cty của nhà xe Thành Bưởi.

Như Báo điện tử Chính phủ đã từng đề cập, việc xe không vào bến gây ra rất nhiều hệ lụy. Thông thường, nếu xe vào bến, trước khi xe rời đi sẽ có bộ phận quản lý bến hoặc bộ phận quản lý của nhà xe kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện như giấy đăng kiểm, giấy phép lái xe, nồng độ cồn của tài xế… Thậm chí, xe bị lập biên bản xử phạt hành chính cũng sẽ trình các loại giấy tờ này để bến nắm rõ.

Ngoài ra, xe sẽ có thiết bị giám sát hành trình (GPS), camera để đơn vị quản lý theo dõi hành trình, tốc độ, nhắc nhở kịp thời các vi phạm. Xe không vào bến sẽ không trải qua các khâu này.

Dư luận đặt câu hỏi, liệu chiếc xe gây tai nạn làm 5 người chết ở Đồng Nai, nếu cũng đươc xuất phát từ bến xe, được kiểm tra kiểm soát đúng quy trình, thì chắc chắn sẽ khó có thể có tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Việc xe không vào bến gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Nếu vào bến, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định còn phải chịu tiền hoa hồng bán vé, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Do các xe hoạt động tuyến vận tải cố định phải vào bến đi, bến đến, đóng sổ nhật trình, nên tổng số lượt chuyến xe đi/đến đều được thống kê và nộp thuế đầy đủ. Xe không vào bến không phải chịu khoản thuế này.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp nếu muốn tăng giá vé thì đều phải được Sở Giao thông vận tải phê duyệt. Còn đối với xe hợp đồng trá hình thì có thể bán vé với mọi mức giá. Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, giá vé của xe tuyến cố định chỉ được tăng tối đa 60%, trong khi các doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng trá hình có thể tăng lên 200-300% tùy theo nhu cầu mà không cần xin phép. Chỉ có người dân là chịu thiệt.

Như vậy, đây là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời, làm mất trật tự an toàn giao thông vận tải xe khách, khiến giao thông của TPHCM ngày càng lộn xộn bởi những "bến cóc, xe dù" ngang nhiên hoạt động.

Theo kiểm đếm của nhóm phóng viên điều tra, xe Thành Bưởi chạy qua trạm thu phí (thu phí tự động) tuyến TP.HCM- Đà Lạt 3 ngày cuối tuần cho thấy trung bình một ngày thấp nhất cũng 350 lượt xe chạy 2 tuyến cả đi lẫn về.

Theo một cựu lãnh đạo thanh tra Tổng Cục Thuế thì số tiền trốn thuế là rất lớn. Nếu như phản ánh của báo chí về hợp đồng khống, thu tiền không có hóa đơn thì chỉ cần bỏ ngoài hợp đồng 10 hành khách trên 1 xe thì Thành Bưởi sẽ thu về gần 3 triệu đồng/xe, tương đương khoảng 600 triệu/ngày và khoảng 18 tỷ đồng/tháng…

Trên thực tế mà nhóm phóng viên điều tra ghi nhận được, nhà xe bỏ ngoài sổ sách nguyên cả đoàn xe mấy chục người chứ không phải 10 người như phép tính thử nêu trên.

5thanhbuoi-16985506408671168793811-1698552114828-16985521150211811160964-1698587348.jpeg

Có hay không hành vi bảo kê, chống lưng cho nhà xe Thành Bưởi? Ảnh VGP/Hồng Đức

Câu hỏi lớn về trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải TPHCM

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải TPHCM về kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với Công ty TNHH Thành Bưởi cho thấy, nhà xe Thành Bưởi không vào bến để đón, trả khách mà thường xuyên thực hiện việc này tại văn phòng công ty. Ngoài ra, công ty này còn "trá hình" xe chở khách thành xe hợp đồng, xe du lịch để không phải vào bến.

Cụ thể, về hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô, Sở Giao thông vận tải cho biết hợp đồng vận chuyển hành khách, du lịch lữ hành của Công ty không đảm bảo đầy đủ nội dung tối thiểu được quy định tại Điều 15 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Danh sách hành khách kèm theo hợp đồng của Công ty không đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định tại Phụ lục 13 Thông tư số 12/2020/TT- BGTVT.

Công ty tổ chức đón trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, vi phạm quy định điểm c khoản 3 Điều 7 và điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Một số trường hợp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch mà không có hợp đồng vận chuyển (đối với các xe 29 chỗ vận chuyển hành khách đi từ địa điểm số 266-272 và số 258 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5, TPHCM), vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Người của công ty ký kết các hợp đồng vận chuyển hành khách du lịch lữ hành bằng xe ô tô từ tỉnh Lâm Đồng đi TPHCM, nhưng chưa được người đại diện pháp nhân của công ty ủy quyền ký hợp đồng là không đúng quy định.

Hành trình vận chuyển, thời gian, các điểm đón, trả khách của một số phương tiện không trùng khớp giữa hợp đồng vận chuyển và dữ liệu thiết bị giám sát hành trình diễn ra một số ngày trong tháng 1/2023 và trong tháng 4/2023.

thong-tin-moi-nhat-ve-vu-nha-xe-thanh-buoi-1698463641.mp4
Nhà xe Thành Bưởi lập bến bãi trái phép. Phóng sự của VTV

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, vụ tai nạn giao thông của lái xe Hoàng Văn Tính và xe 50F-004.83 xảy ra ngày 30/9/2023 (trên Quốc lộ 20 làm 5 người tử vong) đang được Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, xử lý. Do đó, các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn giao thông này được ghi nhận qua quá trình kiểm tra, Sở Giao thông vận tải TPHCM sẽ chuyển cơ quan công an của tỉnh Đồng Nai khi có yêu cầu.

Đối với các hành vi vi phạm của nhà xe Thành Bưởi, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM đang tiến hành các thủ tục để xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời tiếp tục xác minh, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của các lái xe.

Đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác kiểm tra không thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Giao thông vận tải sẽ được chuyển đến Công an TPHCM và các cơ quan chức năng có liên quan để xem xét và xử lý theo quy định.

Dư luận đặt vấn đề, trong bản kết luận này không thấy trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài mà báo chí và dư luận đã phản ánh?

Dù được sử dụng bằng những ngôn từ "mỹ miều và uyển chuyển" trong bản kết luận thanh tra, nhưng nói một cách dễ hiểu bằng những ngôn từ trong sáng là: Nhà xe Thành Bưởi đã tổ chức "xe dù, bến cóc" trái với quy định của pháp luật trong thời gian dài, có dấu hiệu trố thuế và phí với số lượng lớn nhưng Sở Giao thông vận tải TPHCM đã không có biện pháp xử lý và ngăn chặn hiệu quả. Người dân thì đặt vấn đề: Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không bị phát hiện, không bị xử lý, thì do năng lực yếu hay do bị tác động bởi cái gì…?

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi không có chức năng kết luận, chi đưa ra một số chứng cứ và phản ánh kiến nghị của người dân, những thắc mắc mà bao năm không có ai trả lời thấu đáo: Có hay không hành vi bảo kê, chống lưng của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất trong khi thực thi công vụ? Các cơ quan chức năng đang vào cuộc và sẽ làm rõ những uẩn khúc, những góc tối trong hoạt động và quản lý vận tải hành khách ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam để đưa hoạt động này đúng quy định pháp luật, lành mạnh vì an toàn và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, để ngân sách nhà nước không mất đi hằng trăm tỷ và đặc biệt, chúng ta không mất đi những người cán bộ vì những đồng tiền bẩn. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ.

Bạn đang đọc bài viết "Bài 2: Nhà xe Thành Bưởi công khai thách thức pháp luật khi đang bị kiểm tra - Thế lực nào 'chống lưng'?" tại chuyên mục Dân sinh. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com