Ô nhiễm không khí: Mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân toàn cầu

Mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe người dân tại nhiều quốc gia, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo thế giới cần hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn kẻ giết người thầm lặng này.

img-8301-1-1-4599-1683951386.jpeg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Tình trạng ô nhiễm không khí đã trở thành thách thức chung trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu vừa được Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố, bất chấp những tiến bộ gần đây, mức độ các chất gây ô nhiễm không khí tại nhiều nước châu Âu vẫn cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Kẻ giết người thầm lặng này là nguyên nhân gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở những người dưới 18 tuổi tại 32 quốc gia, trong đó có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Báo cáo nhấn mạnh, thực tế đáng buồn nêu trên phản ánh những nguy cơ hiện hữu đối với sức khỏe người dân. Chất lượng không khí kém có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như hen suyễn, căn bệnh ảnh hưởng đến 9% trẻ em và thanh thiếu niên châu Âu, cũng như làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính khi trưởng thành.

Bên cạnh các nước châu Âu, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đối mặt tình trạng chất lượng không khí không bảo đảm. Báo cáo Tình trạng không khí năm 2023 của Hiệp hội Phổi Mỹ cho thấy, gần 120 triệu người dân nước này đang sống trong khu vực bị ô nhiễm không khí. Hiệp hội này cảnh báo, chất lượng không khí kém có thể kéo theo những tác động xấu đối với sức khỏe, khiến tuổi thọ bị rút ngắn.

Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan cho biết, kể từ đầu năm 2023, khoảng 2,4 triệu người dân nước này đã tìm đến bệnh viện để xử lý các vấn đề y tế liên quan ô nhiễm không khí như các triệu chứng về hô hấp, viêm da, viêm mắt và đau họng.

WHO khẳng định, ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe người dân trên toàn cầu, là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của khoảng 7 triệu người mỗi năm, gần bằng số ca tử vong vì hút thuốc lá và ăn uống không lành mạnh. Khoảng 200.000 ca tử vong là trẻ dưới 15 tuổi.

Theo Cao ủy EU phụ trách vấn đề môi trường Virginijus Sinkevicius, tiếp xúc lâu dài với các chất gây ô nhiễm không khí, như bụi mịn công nghiệp và ni-tơ đi-ô-xít (NO2) được sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, có thể gây bệnh tiểu đường, các vấn đề về phổi và ung thư.

Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em, người già và những người có bệnh nền. Theo EEA, sau khi trẻ chào đời, tình trạng ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ gặp một số vấn đề về sức khỏe, trong đó có hen suyễn, suy giảm chức năng phổi, mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng.

Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng, khoảng 30% số ca tử vong vì viêm phổi là do ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí ngoài trời là một nguy cơ đối với trẻ em, nhưng ô nhiễm không khí trong nhà do sử dụng nhiên liệu bẩn để nấu nướng và sưởi ấm còn gây ra một mối đe dọa lớn hơn.

Những số liệu đáng báo động nêu trên đã phác thảo nên bức tranh màu xám về thực trạng không khí trên thế giới. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã không ngừng nỗ lực ngăn chặn mối nguy hại này.

Năm 2021, WHO đã thắt chặt các tiêu chuẩn về chất lượng không khí, theo đó cắt giảm lượng bụi mịn có thể chấp nhận từ 10mcg/m3 xuống còn 5mcg/m3. Trong khi đó, EU cũng đặt mục tiêu cải thiện chất lượng không khí vào năm 2030, với mong muốn giảm số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí ít nhất 55% so với mức của năm 2005.

Các nhà khoa học nhận định, chất lượng không khí thấp không phải là thách thức của một quốc gia, một khu vực mà của cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy, cuộc chiến chống lại kẻ thù chung này đòi hỏi sự đoàn kết và chung tay của các nước để cùng ngăn nạn cháy rừng và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn được coi là những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí.