Cần quy định rõ ràng thay vì “thân thiện” với tiền điện tử

18/12/2023 17:21

Theo dõi trên

Theo chuyên gia, đã đến lúc rút lại thuật ngữ “thân thiện với tiền điện tử” mà phải là “quy định rõ ràng”, để khi thị trường này hồi sinh hoàn toàn sẽ mang lại lợi thế khác biệt.

Chủ đề chính của năm 2023 về thị trường tiền điện tử là sự nổi lên của khu vực Châu Á như một trung tâm thu hút cộng đồng. Điển hình là Singapore, cũng như sự tái xuất hiện của Hồng Kông và Nhật Bản.

tien-dien-tu-1702894736.jpeg

Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản đều có các điểm chung quan trọng, đó là có thể không dễ dàng với tiền điện tử, nhưng tương đối rõ ràng về quy định, chính sách

Mặc dù các khu vực pháp lý này thực sự hoan nghênh tài sản kỹ thuật số, được gọi là “thân thiện với tiền điện tử” nhưng cũng có một số quy tắc nhất định cho thấy, thân thiện với tiền điện tử không có nghĩa là có thể dễ dàng sử dụng chúng.

Theo đó, Singapore luôn đưa ra thông điệp ủng hộ tiền điện tử nhờ những động thái ban đầu nhằm quản lý ngành và cách tiếp cận mang tính tư vấn từ các cơ quan quản lý của nước này. Giám đốc điều hành CoinDesk – Emily Parker phân tích, mặc dù Singapore có thể tập trung hoàn toàn vào việc mã hóa tài sản, nhưng thực tế họ lại không thực sự “thân thiện”.

Năm 2022, Ravi Menon, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã chia sẻ về một chủ đề mang tên: “Có đối với đổi mới tài sản kỹ thuật số; Không với đầu cơ tiền điện tử”. Còn năm nay, ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm tiền điện tử đã thất bại trong cuộc thử thách của tiền kỹ thuật số, vì nó không hoạt động tốt như một phương tiện trao đổi hoặc lưu trữ giá trị. Ông cũng chỉ ra những biến động đầu cơ mạnh mẽ và những khoản lỗ đáng kể của các nhà đầu tư tiền điện tử trước đó.

“Cũng trong năm ngoái, MAS đã ban hành hướng dẫn để ngăn cản giao dịch tiền điện tử ngoài công chúng, bao gồm việc cấm các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử quảng cáo ở các khu vực công cộng. Nhưng ngược lại, cơ quan quản lý nước này lại rất  nhiệt tình với việc token hóa các quỹ như ngoại hối và trái phiếu”, bà Emily Parker cho hay.

Tại Hồng Kông, các công ty tiền điện tử cũng như phía nhà đầu tư đều tỏ ra phấn khích khi khu vực này tái xuất hiện như một trung tâm tiền điện tử. Vào tháng 6/2023, Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hồng Kông (SFC) đã bắt đầu chấp nhận đơn xin cấp phép cho các sàn giao dịch tiền điện tử và có vẻ thân thiện với các giao dịch tiền điện tử hơn Singapore.

Ví dụ, các cơ quan quản lý Hồng Kông đã thúc đẩy các ngân hàng tiếp nhận nhiều sàn giao dịch tiền điện tử hơn với tư cách là khách hàng. Nhưng sự thân thiện này đi kèm với rất nhiều điều kiện. Đến nay, Hồng Kông vẫn chỉ có hai sàn giao dịch được cấp phép, chỉ có giao dịch giao ngay với danh sách mã thông báo hạn chế và 98% tài sản của sàn giao dịch phải được giữ trong ví lạnh.

Các sàn giao dịch cũng phải thành lập một pháp nhân để quản lý trực tiếp tại Hồng Kông. Giới phân tích nhìn nhận, việc điều hành một sàn giao dịch ở Hồng Kông không hề đơn giản và cũng không rẻ, vì để được chấp thuận cần có một đội ngũ luật sư, nhà tư vấn và nhà cung cấp bảo hiểm,…

Bên cạnh đó là Nhật Bản, nơi thể hiện rõ ý định đưa Nhật Bản trở thành thủ đô Web3. Theo đề xuất năm 2022 từ nhóm dự án LDP của Nhật Bản, trong khi nhiều quốc gia khác đang đứng yên sự biến động của ngành công nghiệp mới nổi, thì Nhật Bản được định vị để đóng một vai trò quan trọng trong ngành.

Thực tế, Nhật Bản không còn xa lạ với những cú “sốc” trên thị trường. Sau vụ “hack” Coincheck vào đầu năm 2018, các cơ quan quản lý Nhật Bản đã tỏ ra cứng rắn với tiền điện tử khiến nhiều người lo ngại. Nhưng khi FTX sụp đổ vào tháng 11/2022, chính cách tiếp cận quản lý của quốc gia này đã mang lại hiệu quả tích cực.

Nhật Bản yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử phải tách biệt tài sản của sàn giao dịch và khách hàng, điều này đã giúp người dùng FTX Nhật Bản có cơ hội lấy lại được tiền của họ. Đây cũng là một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên chứng kiến các quy định về stablecoin có hiệu lực với tiêu chuẩn rất cao.

Cụ thể, chỉ các ngân hàng, công ty ủy thác và dịch vụ chuyển tiền mới được phép phát hành stablecoin tại Nhật Bản. Cơ cấu ủy thác có thể là một hướng đi chung, nhưng điều này đòi hỏi 100% tài sản hỗ trợ cho stablecoin phải được giữ trong quỹ tín thác ở Nhật Bản và chỉ được phép đầu tư vào tài khoản ngân hàng trong nước.

Với lãi suất thấp điển hình của đất nước đã khiến các stablecoin dựa trên đồng Yên gặp khó khăn trong việc sinh lãi và trở ngại lớn nhất của Nhật Bản trong việc trở thành điểm đến của các doanh nhân tiền điện tử là thuế cao.

Có thể thấy, Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản đều có các điểm chung quan trọng, đó là có thể không dễ dàng với tiền điện tử, nhưng tương đối rõ ràng về quy định, chính sách. Các sàn giao dịch đều có thể đưa ra kế hoạch chi tiết về những gì họ có thể và không thể làm. Các cơ quan quản lý ở cả ba khu vực pháp lý đã dành thời gian để xây dựng các khung pháp lý toàn diện và cũng thể hiện sự sẵn sàng tham gia vào ngành.

Riêng với Hoa Kỳ, cách tiếp cận của xứ cờ hoa đã thể hiện rõ sự tương phản với các quốc gia còn lại. Những người ủng hộ tiền điện tử thường phàn nàn về hướng đi của Chính phủ nước này, vì đã không thân thiện với tiền điện tử. Vấn đề không nằm ở các quy định quá khắc nghiệt, mà là mọi người vẫn đang tranh cãi về việc đâu là chứng khoán, đâu là hàng hóa.

tien-dien-tu-pld-1702894736.jpg

Mỹ thường bị phàn nàn về hướng đi của Chính phủ vì đã không thân thiện với tiền điện tử

Một vị chuyên gia bình luận, do thiếu khuôn khổ về tiền điện tử quốc gia, mọi người tìm kiếm sự rõ ràng trong các quyết định của tòa án. Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã gặp phải hết khiếu nại này đến khiếu nại khác. Nhưng không phải tất cả các công ty đều có thời gian và vốn để dành nhiều năm đấu tranh với SEC trước tòa.

“Môi trường tiền điện tử ở Hoa Kỳ rõ ràng là không thân thiện, nhưng không phải vì các quy tắc quá nghiêm ngặt, mà bởi vì không ai đồng ý về những gì thị trường đang có”, vị chuyên gia nhận xét.

Bà Emily Parker cho rằng, các quy định về tiền điện tử toàn cầu rõ ràng đang có xu hướng nghiêm ngặt hơn, như chúng ta sẽ thấy khi MiCA (Đạo luật đầu tiên về tiền điện tử của Châu Âu) có hiệu lực vào năm tới. Các quy định mở rộng đối với 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, bao gồm khoảng 450 triệu người sẽ không hề lỏng lẻo và thậm chí bị siết chặt. Đó là lý do tại sao mà các cơ quan quản lý phải linh hoạt, cởi mở trong việc trao đổi với ngành, để có thể đưa ra những thay đổi phù hợp nếu các quy định quá khắt khe khiến doanh nghiệp tiền điện tử không thể phát triển.

Đã đến lúc rút lại thuật ngữ “thân thiện với tiền điện tử”, vốn mang lại ấn tượng về sự dễ dàng, mà phải là “quy định rõ ràng”. Khi thị trường tiền điện tử hồi sinh hoàn toàn, sự rõ ràng đó sẽ mang lại cho những nơi như Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản một lợi thế khác biệt.

Bạn đang đọc bài viết "Cần quy định rõ ràng thay vì “thân thiện” với tiền điện tử" tại chuyên mục Tài chính - Ngân Hàng. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com