Cảnh báo nguy cơ cháy nổ đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

07/08/2023 15:50

Theo dõi trên

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ, nhất là đối với những ngôi nhà ống vừa ở và kết hợp kinh doanh của hộ gia đình, gây hậu quả nghiêm trọng. Ðây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu dân cư, đô thị.

hien-truong-vu-chay-can-nha-ket-hop-kinh-doanh-xe-may-xe-dap-dien-pld-1691396563.jpg
Hiện trường vụ cháy căn nhà kết hợp kinh doanh xe máy, xe đạp điện tại xã An Khánh, huyện Hoài Ðức, Hà Nội. (Ảnh Ðình Hiếu)

Nhìn lại những vụ cháy nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại Hà Nội trong vài tháng trở lại đây, làm thiệt hại nhiều người, tài sản, có thể thấy hầu hết nguyên nhân của các vụ cháy do sự cố hệ thống thiết bị điện và sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt. Thêm vào đó, còn do chủ nhà chưa thật sự quan tâm đến an toàn cháy nổ đối với chính ngôi nhà mình đang sinh sống.

Ðiển hình, rạng sáng 19/7 vừa qua, một vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại ngôi nhà kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở huyện Hoài Ðức (Hà Nội) khiến 3 người trong một gia đình tử vong. Theo cơ quan chức năng, ngôi nhà bị cháy có diện tích khoảng 120 m2, chiều cao nhà khoảng 5 m, lợp mái tôn, 3 mặt tiếp giáp nhà dân. Tầng 1 là nơi buôn bán kinh doanh, tầng lửng khoảng 30 m2 bố trí để ở và sinh hoạt gia đình. Trước đó không lâu, ngày 8/7, tại số nhà 12, ngõ Thổ Quan, quận Ðống Ða cũng đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, khiến 3 người tử vong, trong đó có hai trẻ em.

Cơ quan chức năng xác định, khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (làm móng chân, móng tay), nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60 m2 (chiều rộng khoảng 2,5 m, chiều dài khoảng 24 m), kết cấu bê-tông cốt thép. Ngôi nhà có mặt trước tiếp giáp với ngõ Thổ Quan chiều rộng khoảng 4 m, mặt sau tiếp giáp với đường dân sinh chiều rộng khoảng 1 m, hai mặt còn lại tiếp giáp nhà dân.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ cháy, nổ đối với những ngôi nhà ống vừa ở và kết hợp kinh doanh của hộ gia đình. Những vụ hỏa hoạn này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống cháy, nổ tại các nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở trong khu dân cư đô thị.

Liên quan đến nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn tại nhà ở kết hợp kinh doanh, Trung tá Vũ Hải Ðăng, Trưởng Công an phường Vĩnh Phúc (quận Ba Ðình) cho biết: "Thời gian qua, từ thực tế khám nghiệm hiện trường các vụ cháy xảy ra cho thấy, hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh, sản xuất kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt. Do không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp. Ngoài ra, có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện". Trung tá Vũ Hải Ðăng cũng chia sẻ, thực tế nhiều hộ dân còn bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Một số cơ sở có dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ... đặt gần hàng hóa, vật dụng dễ cháy chung quanh. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn...

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP Hà Nội, với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện trên toàn thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào.

Khảo sát một số cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, hàng hóa được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng nếu có cháy nổ xảy ra, thiếu hoặc không có thiết bị PCCC... Lối thoát hiểm quan trọng nhất là cửa chính tại tầng 1 thường là nơi để ô-tô, xe máy, chất hàng hóa, nấu nướng. Còn tầng trên thường là nơi ngủ, sinh hoạt, thậm chí nhiều nhà còn tận dụng các tầng áp mái, tầng sân thượng để làm kho chứa hàng hóa. Ðể không lo mất trộm, nhiều hộ làm "chuồng cọp", rào chắn toàn bộ bên trên, không có lối thoát lên sân thượng hoặc không có lối thoát sang nhà bên… Trong khi đó, hạ tầng đô thị nhiều ngõ nhỏ, đông dân cư. Nhiều khu vực, xe chữa cháy không thể tiếp cận, khi xảy ra sự cố, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Dự báo trong mùa cao điểm nắng nóng, tình trạng cháy nổ trong khu dân cư còn diễn biến phức tạp. Ðể bảo đảm an toàn PCCC cho các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, kiểm tra xử lý những vi phạm quy định an toàn phòng cháy, các địa phương cần đẩy mạnh và nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, Ðiểm chữa cháy công cộng trên toàn quốc để người dân tham gia, đồng tình hưởng ứng.

Mục tiêu mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC, từ đó giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Mỗi hộ dân cần nâng cao ý thức, tự kiểm tra lại nguy cơ cháy ở nhà mình, chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng...; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa. Cần bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa gọn gàng, không che chắn, cản trở lối thoát nạn, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5 m. Nơi chứa, chất hàng nguy hiểm về cháy nổ phải bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không tích trữ xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Các gia đình lắp đặt những thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện chung của tòa nhà; bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi đi ngủ và khi ra khỏi nhà…

Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

- Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. Ðiều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định nêu trên phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Ðiều 5 Nghị định 136/2020/NÐ-CP.

(Theo Ðiều 7 Nghị định 136/2020/NÐ-CP ngày 24/11/2020 quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình)

Bạn đang đọc bài viết "Cảnh báo nguy cơ cháy nổ đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh" tại chuyên mục Dân sinh. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com