Tháng 5 âm lịch có những dịp lễ nào?

12/06/2024 13:24

Theo dõi trên

Tháng 5 âm lịch có những lễ hội gì? Hãy cùng chúng tôi điểm lại những lễ hội đặc sắc theo lịch âm - lịch mặt trăng.

Việt Nam có nhiều ngày lễ khác nhau được tổ chức vào dịp âm lịch bên cạnh các ngày lễ hàng năm được tính theo dương lịch. Mỗi ngày lễ đều có một ý nghĩa sâu sắc, là cơ hội để mọi người thư giãn, ăn mừng và là tạm hoãn những công việc hàng ngày.

Có một điều đặc biệt là chỉ Việt Nam và các quốc gia khác ở Đông Nam Á sử dụng âm lịch. Bên cạnh các ngày lễ trong lịch dương được nhiều người biết đến, lịch âm cũng có một loạt các ngày lễ đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam ta được tổ chức hàng năm. Hãy cùng tìm hiểu về những ngày lễ trong tháng 5 âm lịch.

Ngày 5/5 âm lịch: Tết Đoan Ngọ

Trong văn hoá người Việt, Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa dân gian Việt Nam với rất nhiều quan niệm khác nhau. Có người thì cho là là ngày giỗ của Quốc mẫu Âu Cơ. Đây cũng là thời điểm trời quanh đãng và trong sáng nhất năm, vạn vật sinh sôi nảy nở khắp nơi do dương khí lúc này là mạnh nhất. Đặc biệt là lúc từ 11h sáng đến 1h chiều.

doan120240604113236-1718173242.jpg

Món rượu nếp đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh TTXVN

Ngoài ra, Tết Đoan Ngọ theo một số địa phương làm nông là ngày phát động phong trào diệt sâu bọ, bảo vệ mùa màng.

Sáng sớm thức dậy chưa ăn gì là nghe “giết sâu bọ, giết sâu bọ đê” là biết tiết mùng 5 tháng 5 âm lịch đã đến. Người dân phía Bắc thường ăn rượu nếp, mận, đào, vải, trứng luộc, bánh đa kê, bánh gio hoặc nhấm một chút rượu. Người miền Nam thì ăn bánh tro hoặc một số loại chè như hạt sen, đỗ đen thanh nhiệt cơ thể.

Một số người dùng nước lá mùi để xông, tắm rửa phòng, chữa bệnh, giải nhiệt cơ thể; ai bị cảm cúm nên dùng 5 loại lá: bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn, và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Theo quan niệm dân gian, ngày mồng 5 tháng 5 là ngày dương khí mạnh nhất nên cây cối phát triển tốt, cho tác dụng mạnh nhất, các thầy thuốc thường vì thế mà lên núi hái thuốc vào ngày này. Các gia đình cũng thường mua cành xương rồng treo trước cửa để xua đuổi tà ma.

Những ngày này, cả gia đình cùng dâng hương hoa, trái ngọt cúng ông bà tổ tiên rồi cùng nhau quây quần bên mâm cỗ như một ngày đoàn viên giữa năm, cầu bình an, hạnh phúc.

Ngày 10-12/5 âm lịch: Lễ hội Cúng biển Mỹ Long (tỉnh Trà Vinh)

Cúng biển ở Mỹ Long, còn được gọi là lễ hội Nghinh Ông, được tổ chức đều đặn cách đây gần 100 năm. Từ một lễ hội mang đậm dấu ấn tâm linh của ngư dân vùng biển, gần đây đã được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh, huyện phối hợp tổ chức long trọng nâng lên thành lễ hội văn hóa cấp tỉnh.

doan220240604113504-1718173242.jpg

Những đoàn tàu ra khơi nghinh đón Ông Nam Hải trong tâm thế phấn khởi nhất. Ảnh minh họa

Nơi tổ chức lễ hội là miếu Bà Chúa Xứ, nằm tại khóm 4, thị trấn Mỹ Long. Mở đầu lễ là Giỗ Tiền chức, vào lúc 7 giờ ngày 10/5 âm lịch, để tạ ơn những người đã lập làng, mở nghiệp. Đến 9 giờ là lễ Nghinh Ông Nam Hải (đón rước cá Ông), tổ chức đội tàu, thuyền ra biển (khoảng 5km) để rước Ông về. Lúc 17 giờ là lễ Tế thần nông, chiến sĩ trận vong tại sân miếu.

Chánh tế Chúa Xứ, tổ chức lúc giữa đêm mùng 10 sang 11 với vật cúng là xôi và heo trắng. Sau nghi thức chánh tế là hát bóng rỗi của các nghệ nhân từ khắp các vùng miền tụ tập về biểu diễn.

Lúc 7 giờ ngày 11 là lễ Nghinh ngũ phương, đoàn nghinh đi một vòng quanh chợ Mỹ Long. Kết thúc phần lễ là Lễ tống tàu, được tổ chức vào 12 giờ ngày 12/5 âm lịch. Hầu hết mọi người còn ở lễ hội đều tham gia tạo thành đoàn đưa tàu ra biển, vật cúng để trên tàu gồm gạo, muối, bánh, trái và cả heo trắng. Tàu cúng được kéo ra biển khoảng 5 km, thì thả dây cho trôi bồng bềnh trên biển.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ ngày 31/10/2013.

Ngày 11/5 – 13/5 âm lịch: Lễ hội bánh chưng - bánh giày (tỉnh Thanh Hóa)

Biển Sầm Sơn tại Thanh Hoá vốn là một điểm đến quen thuộc nhất để giải nhiệt của người dân miền Bắc và miền Trung. Vừa hoà mình vào làn nước biển xanh mát, vừa trẩy hội bánh chưng, bánh giày, hai thức bánh ngon lành được làm từ những nguyên liệu đại diện cho nền văn minh lúa nước thì quả là một cơ hội thú vị.

doan320240604114801-1718173242.jpg

Thành phẩm bánh giầy trắng mịn, đẹp mắt ra lò và được chấm điểm để chuẩn bị dâng thần. Ảnh Vietnamplus

Lễ hội truyền thống bánh chưng - bánh giày, được tổ chức nhằm tôn vinh ông tổ nghề dệt xúc và thờ thần Độc Cước cùng mong ước cho mùa màng luôn tươi tốt, mưa thuận gió hòa vì đa số người dân mưu sinh bằng nghề nông.

Lễ hội được khai mạc bằng màn diễu kiệu quanh các đường phố chính rồi tập hợp về lại sân Đền Độc Cước để chuẩn bị cho các nghi lễ chính thức như phần lễ tế, đọc chúc văn tưởng nhớ công ơn của các tiền bối, những người đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn.

Cuộc thi làm bánh chưng, bánh giày được chờ đợi nhất với những chiếc bánh giày trắng mịn có đường kính khoảng 30 cm và bánh chưng thơm dẻo là 40 cm. Đây là cuộc thi giữa 7 đội đến từ 7 làng khác nhau thuộc thị xã Sầm Sơn. Thành phẩm làm ra có hình dáng đẹp nhất và mùi vị thơm ngon nhất sẽ được chọn làm lễ vật dâng thần Độc Cước. Sau lễ hội, bánh chưng, bánh giày được cắt ra chia đều cho người dân để cùng nhau chia sẻ lộc thần và những điều may mắn.

Ngày 30/5 - 6/6 âm lịch: Lễ hội Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh)

Lễ hội đình Trà Cổ được khôi phục từ năm 1993 và được tổ chức thường niên là dịp để tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân, các vị anh hùng dân tộc đã có công dựng làng, lập ấp, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

doan420240604115459-1718173242.jpg

Lễ rước trong phần Lễ của lễ hội Trà Cổ. Ảnh quangninh.gov.vn

Theo phong tục, lễ hội Trà Cổ diễn ra với phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm nhiều nghi thức truyền thống như rước kiệu nghênh thần, rước cây đèn thần và mâm hoa quả, đóng cây cai đám, gọi sổ bìa xanh, lễ chùa Vạn Linh Khánh và đền Thánh Mẫu, lễ rước cỗ của các ông Đám đương nhiệm, lễ đại tế, lễ cất cây cai đám, gọi danh sách ông Đám mới...

Theo đó, ông Đám là người được làng tín nhiệm, cử đi chăm lo hương khói cho Thành hoàng. Trước khi vào lễ hội, các già làng họp và cử ra 12 người thuộc 12 gia đình tiêu biểu làm cai Đám. Họ phải là những người đàn ông từ 25 đến 35 tuổi, đã có vợ con, mạnh khoắn, chăm chỉ làm ăn, có đạo đức và sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma, không văng tục, không ăn thịt chó, không ăn đồ sống, không cắt tóc, cạo râu... Những người được làng cử chọn làm cai đám là điều rất vinh dự, tự hào. Làm tốt việc cai đám trong năm đồng nghĩa với được lộc, mạnh khoẻ, làm ăn may mắn…

Bạn đang đọc bài viết "Tháng 5 âm lịch có những dịp lễ nào?" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com