Xử lý, tái sử dụng pin năng lượng mặt trời phế thải

Mai Tuyết

10/05/2021 15:45

Theo dõi trên

Mới đây, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Bộ Công Thương kết hợp với Hiệp hội Thông tin Tư vấn Kinh tế Thương mại Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời áp dụng đối với Việt Nam”.

Với tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào, điện mặt trời cũng được xác định là công nghệ điện năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay là cần xây dựng các giải pháp đảm bảo xử lý nguồn rác thải, đồng thời, tận dụng cơ hội để chúng ta hình thành và phát triển thành một ngành công nghiệp trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - cho hay, trong những năm gần đây, với thay đổi lớn từ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời đang nổi lên như một điểm sáng trong mô hình năng lượng chung ở Việt Nam và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo năng lượng trong các giai đoạn tới.

hoi thao 2
TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương))

Cụ thể, tính tới hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng khoảng 25,3%.

Với tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào, điện mặt trời cũng được xác định là công nghệ điện năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cùng với những lợi ích tích cực mà điện mặt trời mang lại, loại hình năng lượng này cũng tiềm ẩn một vài nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam đang trong giai đoạn mới bắt đầu phát triển loại hình năng lượng này, kế thừa những kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, Chính phủ cần khuyến khích nhiều hoạt động nghiên cứu để đưa ra các chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các tấm quang điện hỏng, tận dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn theo xu hướng chung của thế giới.

hoi thao 1
Toàn cảnh hội thảo)

Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho hay, điện mặt trời là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường...

Do đó, theo ông Hội, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cần đặt trong bối cảnh tổng thể các giải pháp, đặc biệt trong vấn đề xử lý nguồn rác thải từ việc phát triển nguồn năng lượng này. Theo đó, năm 2019, công suất điện mặt trời của Việt Nam vào khoảng 6,74GW. Theo Bản dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 18,89GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53GW. Nếu các con số trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trở thành thực tế thì khối lượng tích lũy chất thải tấm pin ước tính 404 ngàn tấn vào năm 2035 và vào khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045.

"Khối lượng chất thải tấm pin mặt trời tại Việt Nam tuy khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, ước tính khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045, bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay, khoảng 17 triệu tấn, nhưng để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời", ông Hội nhấn mạnh và dẫn chứng thêm, nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp tái chế tấm pin trong tương lai.

Tính toán của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, trung bình một nguồn điện mặt trời công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 - 25 năm kể từ ngày nguồn bắt đầu phát điện. Như vậy, nếu đúng như dự báo của Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo đã được phê duyệt, thì lượng pin mặt trời phế thải đến năm 2030 khoảng 2 triệu tấn và tăng lên khoảng 12 triệu tấn vào năm 2050.

Theo dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đến năm 2030 công suất điện mặt trời khoảng 18.890 MWp và năm 2045 dự kiến khoảng 53.000 MWp. Nếu dự báo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trở thành hiện thực, thì khối lượng tích lũy chất thải tấm pin mặt trời ước tính hơn 400 nghìn tấn vào 2035 và khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045.

Đối với Việt Nam, khối lượng chất thải từ tấm pin mặt trời khá nhỏ so với các nước dẫn đầu, tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời. Nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp tái chế tấm pin trong tương lai.

Thực tế, Việt Nam đã có những quy định cụ thể liên quan đến việc xử lý tấm pin năng lượng mặt trời đã có. Tại Thông tư 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời , trong đó điều khoản yêu cầu về môi trường nói rõ: Trong quá trình vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà, bên bán điện có trách nhiệm thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị của các công trình điện mặt trời theo đúng quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "Xử lý, tái sử dụng pin năng lượng mặt trời phế thải" tại chuyên mục Môi trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com