Hàng nghìn căn hộ bị bỏ hoang tại khu tái định cư Thủ Thiêm, TPHCM

Lan Anh

27/08/2022 08:01

Theo dõi trên

Tại TPHCM, trong lúc hàng chục nghìn hộ dân phải sống trong cảnh nhà trọ tạm bợ, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu thì tại khu tái định cư Thủ Thiêm còn hơn 3000 căn hộ bỏ hoang nhiều năm.

Khu tái định cư Thủ Thiêm nằm trên mặt đường đắc địa Mai Chí Thọ và Lương Định Của, phường Bình Khánh, Quận 2, TPHCM (cũ) được xây dựng từ năm 2013 và cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Khu tái định cư do chủ đầu tư là công ty TNHH Keppel Land Việt Nam, công ty Cổ phần Sài Gòn Xây dựng, công ty TNHH Xây dựng Thuận Việt cùng các công ty khác làm nhà thầu thi công.

Dự án có diện tích hơn 38,4 ha với hơn 6200 căn hộ nằm trong dự án tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo kế hoạch, dự án được đầu tư để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của khu đô thị này. Cụ thể, dự án tái định cư khu đô thị Thủ Thiêm có 3 khu: Khu diện tích 30,2 ha Bình Khánh với 4.216 căn hộ; khu diện tích 38,4 ha có 6,220 căn hộ, khu diện tích 17,4 ha An Phú - Bình Khánh có 1.844 căn.

Đẹp nhưng chưa đủ

Hoàn thiện từ năm 2015, nhưng tới nay số hộ dân chuyển tới sinh sống vẫn chỉ được đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng việc bố trí nhà tái định cư không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của các hộ thuộc diện di dân là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều chung cư bỏ hoang như hiện nay.

Là một trong số ít các gia đình dọn về đây sinh sống, bà Hoàng Thị Mai chia sẻ: "Khu tái định cư Bình Khánh nằm trên đường Mai Chí Thọ rất đắc địa nhưng giá nhà lại quá cao nên nhiều người không đủ tiền mua, cuối cùng họ đành nhận tiền đền bù rồi tự đi tìm một nơi ở mới. Gia đình tôi nhận được 800 triệu tiền hỗ trợ nhưng giá mua chung cư là hơn 1 tỉ, hai vợ chồng tôi là công nhân chạy vạy khắp nơi mới mượn thêm 200 triệu mua nhà tại đây".

anh-1-1661315332.jpg
Khu tái định cư rộng lớn nhưng số người ở chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, người dân nằm trong diện mua nhà tái định cư cho hay: "Tại khu tái định cư Bình Khánh mọi thứ đều ổn, dễ đi lại vào trung tâm thành phố, có nhiều tiện nghi phục vụ đời sống con người. Tuy nhiên, vấn đề khó cho những người làm nghề lao động tự do gặp nhiều khó khăn khi cơ sở hạ tầng khu tái định cư không phù hợp với ngành nghề mưu sinh của chúng tôi. Trước đây khi ở căn nhà cũ gần sông hồ, gia đình tôi làm nghề buôn bán hủ tiếu, đủ đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, khu này lại không có nhiều người sinh sống nên rất khó khăn trong việc kinh doanh. Hai người con trai của tôi cũng nằm trong diện mua nhà tái định cư nhưng chúng phải thuê trọ ở Quận 9 cách đây 10 km để thuận tiện đi làm".

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, tình trạng nhà tái định cư bị "ế" xuất phát từ sự quan sát thiếu thực tế của các cơ quan chức năng, quản lý, không tiến hành điều tra xã hội học, tâm lý học của người dân trước khi tiến hành xây dựng. Trước đây, nhiều người cho rằng đã áp đền bù là người dân phải chịu, không có chuyện thương lượng. Người dân thuộc diện tái định cư hầu như là người nghèo sống quen trong nhà cấp 4, nhà ngói. Trong khi đó, nhà tái định cư là chung cư cao tầng, người dân sống không quen.

Xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng do thời gian dài không sử dụng

Nhuốm màu thời gian, các mảng tường chung cư đã bắt đầu ố vàng, khung cửa có dấu hiệu gỉ sét, cỏ mọc um tùm, leo lên các thành tường chung cư, nhiều cây xanh trơ trọi do thời gian dài không có người chăm sóc.

co-lap-nha-1661313903.jpg
Cỏ mọc cao tới nỗi tưởng chừng che phủ chung cư.

Quanh khuôn viên và lối vào chất đầy rác thải bốc mùi hôi thối. Các trạm điện nằm len lỏi trong một rừng cây cỏ, trong trường hợp mưa lớn có khả năng xảy ra cháy nổ. Nguy hiểm hơn, trên các vỉa hè xuất hiện các nắp cống nằm chỏng chơ giữa đường, với những người không quen với bản đồ khu vực này dễ bị té ngã xuống cống.

rac-1661313903.jpg
Thủy tinh, rác thải vứt lăn lóc bên vỉa hè chưa biết ngày dọn.

Hàng loạt các khối nhà xây dựng với mật độ dày đặc khiến không gian u tối, ngột ngạt. Một số góc tường bị rạn, để lại các vết nứt lớn, gạch lát tường xuất hiện nhiều rong rêu bao phủ.

Một người dân bán nước lân cận chia sẻ: "Khu này ít có bóng dáng người xuất hiện, tôi bán nước chủ yếu cho công nhân và nhân viên văn phòng xung quanh. Cũng do không có người ở cả chục năm nay nên chung cư xuống cấp trầm trọng. Phía trong các tòa nhà các vật dụng như ống nước, vòi hoa sen, gạch ốm lát đều mục rữa. đất nền bị lún mạnh". 

cong-bi-thao-nap-1661313903.jpg
Nắp cống bị tháo gỡ cộng với cỏ che lấp

Được biết, để có được số căn hộ này TPHCM đã vay 12.000 tỷ đồng từ các quỹ tín dụng. Ước tính tiền lãi phát sinh rơi vào khoảng 2,9 tỷ đồng mỗi ngày. Trong năm 2015, lãi vay phát sinh hơn 902 tỷ đồng, năm 2016 nợ gốc lên tới 5.200 tỷ đồng. Đó là còn chưa tính tới phí bảo trì, làm vệ sinh, thắp sáng cho các tòa nhà chung cư.

lan-chua-go-1661313903.jpg
Mặc dù công trình đã hoàn thành nhưng vẫn còn lán dựng sát lề đường.
kiot-xuong-cap-1661313903.jpg
Hàng loạt Kiot bị bỏ trống một cách lãng phí.

3 lần tổ chức bán đấu giá

TPHCM  đã từng 3 lần tổ chức bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư này nhưng không thành công. 

Lần đấu giá đầu tiên diễn ra tháng 2/2018 với mức giá khởi điểm hơn 9.100 tỷ đồng, nhưng không có ai tham gia đấu giá. Lần đấu giá thứ hai diễn ra năm 2019, với mức giá gần 9.900 tỷ đồng, nhưng cũng thất bại với lý do tương tự. Lần đấu giá thứ 3 diễn ra vào năm 2021 mức giá tiếp tục tăng gần 9.900 tỷ lần trước đưa ra.

Theo thông tin thu thập, tổ chức, cá nhân muốn mua nhà phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng thầu, trong vòng một tháng, phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá (bao gồm 20% đã đặt cọc trước đó), 50% còn lại trong vòng 90 ngày phải thanh toán đủ. Tham gia đấu giá, doanh nghiệp phải cam kết thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá theo các thỏa thuận.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc 2 lần đấu giá không thành công trước đó là do phương thức đấu theo phương án trọn lô nên đã loại trừ một lượng lớn các nhà đầu tư, cá nhân tham gia, chỉ có thể thu hút các tập đoàn có tiềm lực tài chính lớn. Nhưng số này lại không nhiều và không có nhu cầu tham gia phân khúc này, dẫn đến thất bại.

Ông Châu cho biết thêm: “Sau nhiều lần thất bại, đáng lẽ TPHCM nên xem xét thay đổi lại phương thức và giá bán, nhưng mọi thứ vẫn như cũ, giá bán còn tăng lên thì khả năng thất bại ở những lần tiếp theo là rất cao. Chính vì vậy TP nên chia ra thành các lô nhỏ hơn theo các block và xem xét giảm giá chứ không phải sau mỗi lần đấu giá lại tăng giá như hiện nay”.

Bạn đang đọc bài viết "Hàng nghìn căn hộ bị bỏ hoang tại khu tái định cư Thủ Thiêm, TPHCM" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com