Khủng hoảng năng lượng tại EU, ngành tôn mạ có được hưởng lợi?

Hữu Việt

13/09/2022 22:48

Theo dõi trên

Nhiều nhà máy thép tại EU đang phải cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa bởi chi phí năng lượng tăng cao buộc người mua thép tại đây sẽ cần tìm nguồn cung tốt hơn từ các quốc gia khác.

Khủng hoảng nguyên liệu khí đốt đang là vấn đề nghiêm trọng tại Liên minh châu Âu (EU) và chưa có cách giải quyết triệt để khi nguồn cung cấp khí đốt Nga đã cắt giảm 20% công suất cho khối này, khiến cơn bão giá nguyên liệu tăng vọt.

Việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt khiến giá khí neo ở mức cao đã khiến cho nhiều nhà máy thép tại EU tại đây phải cắt giảm sản xuất. Việc thiếu hụt nguồn cung thép tạm thời từ thị trường EU sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, tối thiểu đến hết quý 4/2022.

Châu Âu cắt giảm sản lượng

Hiện EU là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Do đó, thép là một ngành công nghiệp quan trọng với nền kinh tế khu vực này.

image-20220913082539-1-1663078610.png

Nhiều nhà máy thép ở châu Âu đóng cửa vì thiếu khí đốt

Trên thực tế, khí đốt là nguyên liệu đầu vào quan trọng với các nhà sản xuất thép ở châu Âu. Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFAR) cảnh báo rằng, việc nguồn cung khí đốt bị gián đoạn có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp thép của EU nếu như không có nguồn cung ứng thay thế.

Theo đó, với việc Nga cắt giảm khí đốt khiến giá nguồn nhiên liệu này tăng cao đã khiến giá thép và chi phí sản xuất mặt hàng tại EU tăng vọt. Ngoài ra, tình trạng này còn gây ra những ảnh hưởng với các hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung ở EU.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại do lạm phát và lãi suất gia tăng, chi phí năng lượng cao và lo ngại suy thoái đã làm giảm nhu cầu thép, gây áp lực lên thị trường thép toàn cầu.

Theo dự báo của EUROFAR, tiêu thụ thép tại EU trong năm 2022 sẽ vào khoảng 147 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn cung thép nội địa của EU trong tháng 7 của khu vực này đã giảm 6,7% so với cùng kỳ 2021.

Hiện giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu ngày 26/8 đã ở mức 341 Euro cho mỗi MWh, gần bằng mức kỷ lục 345 Euro/MWh hồi tháng 3/2022 và mức giá này đã tăng 5,5 lần chỉ trong vòng 12 tháng qua.

Trước áp lực giá khí đốt, một số nhà máy thép tại châu Âu buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa.

Tính đến ngày 6-9-2022, có đến 15 nhà máy thép tại châu Âu đã dừng hoặc có kế hoạch dừng hoạt động. Điều này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi EU chưa tìm được nguồn cung năng lượng thay thế trong khi ngoại giao với Nga vẫn diễn ra căng thẳng.

Với việc EU sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, vì vậy, các nguồn cung thép rẻ hơn ở châu Á trở nên hấp dẫn hơn khi nhu cầu thép của EU phục hồi.

image-20220913082539-2-1663078637.png

Hiện chênh lệch giá thép cuộn cán nóng HRC giữa Việt Nam và EU đã ổn định

Trên thị trường, sau một thời gian đi xuống, đà giảm giá thép dường như đã chững lại. Hiện chênh lệch giá thép cuộn cán nóng HRC giữa Việt Nam và EU ổn định ở mức 200-250 USD/tấn trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

Hiện các nhà máy tại châu Âu đang chào các mức giá bán cao hơn nhưng người mua vẫn duy trì trạng thái quan sát do nhu cầu tiêu dùng cuối cùng yếu.

Doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam sẽ được hưởng lợi?

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, các doanh nghiệp tôn mạ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU.

image-20220913082539-3-1663078666.jpeg

Doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU

Theo đó, khủng hoảng khí đốt tại EU có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép tại thị trường này. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thép, tôn mạ tại khu vực này tuy đang yếu nhưng nếu tình trạng khủng hoảng năng lượng tiếp diễn, EU cần tìm nguồn cung tốt hơn từ các quốc gia khác.

Có thể thấy, xu thế gia tăng nhập khẩu thép của EU đã và đang diễn ra trong vài năm gần đây, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại dự báo sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa sản lượng thép nhập khẩu vào EU.

Mặc khác, với việc EU là thị trường xuất khẩu chính trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ngành tôn mạ như Hoa Sen hay Nam Kim, Tôn Đông Á được kỳ vọng tiếp tục duy trì hưởng lợi nhờ xu thế này.

Tại thị trường trong nước, sau khi giảm liên tục trong 4 tháng qua, giá thép xây dựng của các nhà máy đã bắt đầu tăng trở lại.

Cụ thể, giá thép xây dựng trong nước vừa có đợt tăng lần thứ 2 liên tiếp trong tháng 9 với biên độ 150.000-450.000 đồng một tấn, lên mức 14,8-16 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, Hoa Sen là nhà sản xuất tôn mạ đầu tiên nâng giá bán kể từ đầu tháng 9. Mặc dù mức tăng 150.000-200.000 đồng/tấn không đáng kể so với mức giảm giá thời gian qua nhưng động thái này đã kích thích các nhà phân phối mua hàng trở lại. VDSC đánh giá các nhà sản xuất tôn mạ khác như Nam Kim có thể có cùng diễn biến giá bán và tiêu thụ trong thời gian tới.

image-20220913082539-4-1663078697.png

Các sản phẩm tôn mạ của Việt Nam có sự cạnh tranh về giá bán khi chi phí sản xuất rẻ hơn doanh nghiệp của một số nước khác

Hiện các sản phẩm tôn mạ của Việt Nam có sự cạnh tranh về giá bán khi chi phí sản xuất rẻ hơn doanh nghiệp của một số nước khác.

Cụ thể, chi phí sản xuất thép tại các nước xuất khẩu lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… chịu tác động nhiều bởi xu hướng sản xuất thép sạch cùng với đó là giá năng lượng tăng cao tại EU khiến chi phí sản xuất thép tại đây tăng vọt.

Nhu cầu thép ở thị trường nội địa có dư địa hồi phục, đồng thời cơ hội mở rộng xuất khẩu sang thị trường EU đang là những điểm sáng đáng chú ý nhất với các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng năng lượng tại EU, ngành tôn mạ có được hưởng lợi?" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com