Cần sớm đẩy nhanh kế hoạch sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

02/07/2024 08:38

Theo dõi trên

Trước các bất cập phát sinh tạo gánh nặng cho người nộp thuế, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm đẩy kế hoạch sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân nhanh hơn so với dự kiến…

Thực tế cho thấy, sự lạc hậu của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được phản ánh nhiều năm nay. Không ít ý kiến cho rằng, vì biểu thuế được xây dựng quá lạc hậu, nên đã đến lúc phải xây dựng lại biểu thuế mới cho phù hợp với thực tế. Ngoài việc xây dựng biểu thuế mới, cũng cần tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc. Bởi hiện nay mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, với mức này là khá thấp so với mức sinh hoạt thực tế của một người.

can-day-nhanh-lo-trinh-sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-241111-1719884171.jpg

Sự lạc hậu của thuế TNCN liên tục được phản ánh nhiều năm nay – Ảnh minh họa: ITN

Đáng nói, sự bất cập lương tăng thuế tăng đã xảy ra trong những năm gần đây, khi Chính phủ nhiều lần điều chỉnh tăng lương cơ sở nhưng Luật Thuế thu nhập cá nhân dù được đánh giá đã quá lạc hậu vẫn chưa được thay đổi. Đây chính là nguyên nhân khiến mỗi lần lương tăng thì người lao động, viên chức phải đóng thuế nhiều hơn.

Theo đó từ hôm nay (ngày 01/7), cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023.

Đây là các mức tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.

Tăng lương cơ sở là niềm vui rất lớn với người lao đông vì thu nhập sẽ tăng đáng kể, nhưng đi cùng với đó, người làm công ăn lương lại có thêm nhiều nỗi lo khác. Bên cạnh giá cả sẽ ồ ạt tăng theo lương, việc tăng lương cơ sở từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa mức thuế TNCN mà người lao động phải đóng góp cũng sẽ tăng thêm.

can-day-nhanh-lo-trinh-sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-241121-1719884171.jpg

Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm đẩy kế hoạch sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân nhanh hơn so với dự kiến – Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Ngọc Tú – giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, lương tăng đồng nghĩa thu nhập tăng lên, song mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế TNCN không được điều chỉnh sẽ dẫn đến bất cập là mức thuế suất của người nộp thuế nhảy lên mức cao hơn. Đáng chú ý, điều này làm mất đi ý nghĩa của chính sách tăng lương 30% do Chính phủ đưa ra vì thực chất thu nhập của nhiều công chức, viên chức không tăng lên đến mức này.

Từ nhiều năm nay, mức giảm trừ gia cảnh đã bị xem là lạc hậu nên nếu chờ CPI tăng lên 20% mới điều chỉnh thì lúc đó gây gánh nặng cho người nộp thuế. Chính vì vậy cần sớm đẩy kế hoạch sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân nhanh hơn so với dự kiến. Bởi, nếu theo lộ trình xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) mà Bộ Tài chính đã thông báo thì đến tháng 5/2026 mới có thể được Quốc hội thông qua. Như vậy, khả năng đến năm 2027 luật mới có hiệu lực.

“Cần đẩy nhanh lộ trình sửa đổi thuế TNCN lên sớm hơn 1 năm, là trình Quốc hội việc sửa đổi vào tháng 10 năm nay. Thêm vào đó, để tránh bất cập như thời gian qua khi đưa ra mức giảm trừ gia cảnh theo con số cố định, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) nên quy định mức giảm trừ gia cảnh có thể tương ứng 8 lần lương cơ sở. Nếu tính theo mức lương sửa đổi mới kể từ ngày 01/7 lên 2,34 triệu đồng/tháng thì mức giảm trừ gia cảnh tương đương 18,7 triệu đồng đối với người nộp thuế. Còn người phụ thuộc chiếm 50% mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế”, ông Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị.

Đồng quan điểm này, không ít ý kiến cũng cho hay, Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế TNCN là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương. Bởi lẽ, thu nhập thực tế của người làm công ăn lương có thể sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể, khi mà họ có thể “đột nhiên” trở thành đối tượng chịu thuế TNCN và bị khấu trừ một khoản ngay sau điều chỉnh tăng lương.

Trong khi đó, thực tế hiện nay là cứ mỗi khi Nhà nước tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng thì giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt lại tăng thêm một mức mới. Điều này khiến đời sống thực tế của nhiều người có thể khó khăn hơn so với trước khi tăng lương. Do đó, cần thiết phải xem xét điều chỉnh quy định về thuế TNCN và tương ứng theo lộ trình điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng. Một số nội dung cần xem xét điều chỉnh như nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh cho sát với thực tiễn.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề của thuế TNCN, đại biểu Trần Văn Lâm – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến tại Quốc hội, trên báo chí và người dân, cử tri cũng đã có phản ảnh về khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh… quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã lạc hậu nhiều năm.

Do vậy cần sớm xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh một cách kịp thời để phù hợp với biến động thực tế và đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân.

“Nếu Chính phủ thấy rằng việc sửa luật này, trong đó, có mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết, cần làm sớm và quyết tâm làm sớm được, trình sang thì chắc chắn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội lúc nào cũng sẽ sẵn sàng xem xét ngay”, vị đại biểu này chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Cần sớm đẩy nhanh kế hoạch sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân" tại chuyên mục Tài chính - Ngân Hàng. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com