Ngoại lực của kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng trong nhiều lĩnh vực, nguyên nhân sâu xa đến từ chính sách ngoại giao đúng đắn, hợp lý.

img5915-1-17192919278961763336703-1719297684805-171929768528613942373611-1719884578.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại WEF Đại Liên – Trung Quốc.

Kinh tế Việt Nam quý 2/2024 có nhiều điểm sáng, GDP xấp xỉ 7%, đạt mức cao so với trung bình khu vực và thế giới. Bên cạnh những nội lực sẵn có, ngoại lực đóng vai trò rất quan trọng.

Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu, chiếm gần 3/4 tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26,3% so với cùng kỳ; tiếp đến là bất động sản và bán buôn, bán lẻ.

Khoảng 9 triệu du khách nước ngoài đến Việt Nam, tăng so với cùng kỳ, trong đó Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Australia và Ấn Độ có lượng du khách lớn nhất tới nước ta.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước 6 tháng năm 2024 lên con số 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa bước vào chu kỳ phục hồi mạnh mẽ, thành tựu kinh tế Việt Nam là nổi bật khi so sánh với trong khu vực và trên thế giới. Một trong những động lực rất vững vàng chính là ngoại giao.

Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam  bao gồm: trọng điểm, chiến lược, quan trọng, tương lai, xu hướng.

Việt Nam vừa có những thị trường truyền thống, vừa có thị trường mới khai phá; có những mặt hàng luôn có thế mạnh số lượng, sẵn sàng đáp ứng khi xảy ra khan hiếm cục bộ.

Đối với thị trường Mỹ, nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo, trong một số năm gần đây, hàng Việt không ngừng gia tăng về khối lượng và giá trị thặng dư. Hàng hoá Việt Nam đã vượt qua “hàng rào” phòng vệ thương mại rất ngặt nghèo, xua tan những nghi ngờ vốn đã dấy lên từ khi thương chiến Trung Quốc – Mỹ bùng phát .

Cần biết rằng, với tầm quan trọng của đồng đô la Mỹ, mọi quốc gia trên thế giới đều muốn buôn bán trực tiếp với Mỹ. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt, trong đó “bán phá giá” là công cụ cạnh tranh được áp dụng thường xuyên.

Dĩ nhiên, trong các cam kết ngoại giao song phương đã đạt được, có những điều khoản “tạo điều kiện” cho nhau trong thương mại, đầu tư. Để lọt vào danh sách đối tác “chiến lược toàn diện”, Việt Nam đã có chính sách ngoại giao phù hợp, nhạy bén.

anh-viber-2024-06-19-21-35-53-972-171880797709412066384-39-0-999-1536-crop-171880798091318363388371-1719884578.jpg

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam.

Thị trường Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn về “lượng” và “chất”. Trong đó, các quy định về tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao hơn; khả năng xảy ra rủi ro cho hàng Việt Nam với tần suất lớn hơn.

Phần lớn những rủi ro có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Mối quan hệ giàu truyền thống – đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung đã được nâng lên tầm cao mới.

Lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục gặp gỡ, trao đổi, làm rõ những mâu thuẫn mới phát sinh, làm sâu sắc thêm nền tảng vốn có. Ví dụ, nhập siêu từ Trung Quốc vẫn ở mức cao; đầu tư của Trung Quốc chưa tương xứng với mức độ quan hệ hai nước và tiềm năng của Trung Quốc.

Việc có quan hệ rộng khắp, gìn giữ được những mối quan hệ quan trọng trong hoàn cảnh đầy biến động như hiện nay chính là nguyên nhân sâu xa giúp kinh tế Việt Nam đạt được nhiều chỉ số khả quan.