Năm 2020, giá vàng tại Việt Nam ở mức giá trung bình do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó vàng nhẫn khoảng 50 triệu đồng một lượng và vàng SJC dao động ở mức trên 60 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên gần đây, giá vàng đã biến động mạnh, có lúc vàng nhẫn điều chỉnh tăng lên mức 77 triệu đồng một lượng, mức chưa từng có trong lịch sử và giá vàng SJC đã sát mốc 85 triệu đồng một lượng.
Trong phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, minh bạch, hiệu quả, bền vững, đặc biệt không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.
Sáng ngày 14/4, giá vàng rơi khỏi đỉnh kỷ lục nhưng vẫn ghi nhận một tuần tăng cao. Cụ thể, vàng nhẫn 9999 được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 74,3 triệu đồng và bán ra 76,2 triệu đồng. Dù đã giảm 800.000 đồng từ mức đỉnh 77 triệu đồng nhưng vàng nhẫn SJC vẫn cao hơn 3 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, vàng miếng được SJC mua vào 80,6 triệu đồng/lượng và bán ra 83,1 triệu đồng. Mỗi lượng vàng miếng đã giảm gần 2 triệu đồng sau khi đạt mức kỷ lục 85 triệu đồng vào giữa tuần.
Chúng ta nhắc nhiều đến việc vàng là tài sản phòng thủ, khi lãi suất tiết kiệm ở mức thấp và triển vọng kinh tế không mấy khả quan. Điều này thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên tại Việt Nam – một quốc gia không sản xuất được vàng, điều này gây ra những tác động tiêu cực đến vấn đề tỷ giá. Bên cạnh đó, xu hướng “vàng hóa” còn dẫn đến sự sụt giảm các nguồn lực dành cho phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng lâu dài của đất nước.
Trước vấn đề biến động giá vàng gần đây, việc theo dõi sát sao tình hình kinh tế toàn cầu trở nên cần thiết để hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của kim loại quý này. Giá vàng không chỉ phản ánh những biến số kinh tế mà còn là một yếu tố quan trọng trong các kịch bản dự phóng. Theo một báo cáo mới được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố dành cho các nhà quản lý tài sản đầu tư, việc quản trị danh mục đầu tư của các ngân hàng trung ương đã được nhấn mạnh. Báo cáo chỉ ra rằng, các ngân hàng trung ương chú trọng đến ba yếu tố đó là: bảo toàn vốn, đảm bảo thanh khoản và cuối cùng là lợi tức.
Vậy tại sao các ngân hàng trung ương lại quan tâm đến việc mua vàng? Có thể thấy, giá vàng và rủi ro địa chính trị luôn tương quan thuận với nhau, đồng thời giá vàng, giá dầu và rủi ro địa chính trị cũng tương quan thuận với nhau, nên khi giá dầu tăng, lạm phát tăng thì giá vàng tăng.
Trong giai đoạn địa chính trị căng thẳng, xảy ra trừng phạt kinh tế, các quốc gia càng có xu hướng nắm giữ vàng nhiều hơn. Ví dụ từ năm 2002 đến năm 2008, các ngân hàng trung ương bán ròng vàng khiến giá vàng rất thấp; ngược lại, bắt đầu sau khủng hoảng tài chính toàn cầu cho đến hiện tại, các ngân hàng trung ương mua ròng trở lại thì giá vàng đã tăng vọt.
Như vậy, yếu tố cung – cầu là điều rất dễ thấy trên bất cứ thị trường nào. Đối với vàng, nhu cầu về trang sức, công nghệ và đầu tư nhỏ hơn nhiều so với nhu cầu của ngân hàng trung ương. Hiện nay, Top những quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới dẫn đầu là Mỹ với 8.133 tấn vàng, chiếm 67% dự trữ quốc gia và chiếm 23% dự trữ vàng thế giới. Càng là các quốc gia phát triển thì việc dự trữ vàng càng cao như Đức, Italia, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản,… và ngay cả IMF hay ECB cũng vậy; tỷ lệ các quốc gia còn lại nắm giữ vàng chiếm tổng 15%.
Theo khảo sát, 73% các nhà quản lý của các ngân hàng trung ương đều cho rằng vàng sẽ dễ chuyển đổi thành tiền hơn. Do các quốc gia có nền kinh tế phát triển thì thị trường tài chính thường có biến động lớn và tác động đến nền kinh tế, nên phải có tỷ trọng nắm giữ vàng cao (trung bình 20% dự trữ quốc gia).
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, điều gì sẽ xảy ra khi tất cả mọi người đều đổ xô đi mua vàng? Như chúng tôi đã phân tích, vàng được xem là một lớp tài sản phòng thủ, nếu chúng ta mua vàng quá nhiều thì nền kinh tế sẽ giống như việc “đi ra cao tốc mà bị đạp phanh”. Vì vậy, cần có giải pháp của cơ quan quản lý để phía nhà đầu tư có thể quản trị tốt danh mục của mình mà nền kinh tế không bị ảnh hưởng.