Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu

11/04/2024 21:08

Theo dõi trên

Thời gian gần đây, “vàng” đã trở thành tâm điểm của thị trường tài chính, giá vàng luôn “nóng bỏng tay” khi liên tiếp phá vỡ mọi kỷ lục, các chuyên gia quan ngại tình trạng buôn lậu sẽ hoành hành…

dien-bien-thi-truong-vang-pld-1712844413.jpg
Diễn biến thị trường vàng vẫn luôn thu hút sự chú ý của giới đầu tư và các nhà quan sát thị trường trong thời gian qua bởi luôn giữ đỉnh cao của mọi thời đại. Ảnh minh hoạ

Giá vàng liên tục phá kỷ lục

Theo đó, diễn biến thị trường vàng vẫn luôn thu hút sự chú ý của giới đầu tư và các nhà quan sát thị trường trong thời gian qua bởi luôn giữ đỉnh cao của mọi thời đại. Cụ thể, thị trường vàng ngày 9/4/2024 khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng liên tục điều chỉnh giá. Mở cửa phiên buổi sáng, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mốc: 80,60 – 82,62 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), giá vàng tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên ngày 8/4.

Cùng thời điểm trên giá vàng nhẫn các thương hiệu giao dịch quanh mốc: 74,03 – 75,23 triệu đồng/lượng (MV-BR), cũng có mức tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và không đổi chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Thế nhưng ngay sau đó, bảng điển tử liên tục nhấp nháy thay đổi giá theo đồ thị đi lên. Đến cuối giờ sáng, giá vàng nhẫn đã chính thức chinh phục mốc 76 triệu đồng/lương, trong khi đó, vàng SJC cũng chinh phục mốc 83 triệu đồng/lượng.

Chưa dừng lại, bước sang phiên chiều, giá vàng tiếp tục đà bứt phá. Giá vàng SJC đã lên 83,2 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn nhảy vọt lên tới 77,25 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với chốt phiên hôm qua (8/4), giá vàng nhẫn đã cộng thêm cho mình tới 2 triệu đồng/lượng. Hiện, giá mua bán đang được các doanh nghiệp kéo doãng lên 1,7 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa chỉ sau 1 ngày “ôm” vàng, người mua sau đã có lãi 300.000 đồng/lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá vàng liên tục tăng cao là do nguồn cung hạn hẹp (ngoài Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu) và giá vàng những ngày gần đây lên cao kỷ lục nên dễ gây ra những tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

khi-gia-vang-trong-nuoc-va-gia-vang-the-gioi-chenh-lech-nhieu-pld-1712844413.jpg
Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều, tình trạng buôn lậu sẽ diễn ra bất chấp vì lợi nhuận cao. Ảnh minh hoạ

Lo ngại rủi ro từ vàng lậu

Trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện này, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, khi cung không nhưng cầu có thực đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và không có chuyện liên thông trong xuất nhập khẩu vàng thì giá vàng trong nước cao, không thể nhập khẩu vàng để cân bằng và ngược lại. Vì vậy dẫn tới tình trạng giá vàng trên thế giới có thể tăng một chút nhưng trong nước tăng rất cao. Theo ông Cường, khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều, tình trạng buôn lậu sẽ diễn ra bất chấp vì lợi nhuận cao.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh doanh vàng Đinh Nho Bảng nhận định, nếu cứ kéo dài tình trạng này, việc quản lý thị trường sẽ ngày càng phức tạp. “3 miếng vàng kích thước chỉ bằng 1 gói thuốc lá, chỉ cần buôn lậu trót lót, lợi nhuận đã lên hàng trăm triệu đồng, là môi trường tốt để “kích thích” cho buôn lậu”, ông Bảng nói.

Cũng theo ông Bảng, ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam mỗi năm cần khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng từ nhiều năm nay không được nhập khẩu, trong khi nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam ngày càng tăng, từ mua vàng để dành, tích trữ sang mua vàng để làm đẹp, các sản phẩm vàng phân khúc trung và cao cấp còn rất nhiều dư địa tăng trưởng điều này sẽ gây rủi ro rất lớn vì nguồn nguyên liệu không đến từ nhập khẩu chính thức. Nguyên do là hơn chục năm nay, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, chưa doanh nghiệp nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu.

Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp mua phải vàng buôn lậu. Các doanh nghiệp không thể xác định được vàng nguyên liệu đó từ nguồn nào, vì quy định chỉ cần có bảng kê theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và căn cứ của người bán. Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp vàng cũng không có chức năng đi thẩm định nguồn vàng đó, chỉ có bảng kê xác nhận. Đây là rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp khi mua vàng nguyên liệu trên thị trường.

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn, trước đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không chấp nhận chênh lệch giá vàng như hiện nay, và Ngân hàng Nhà nước nhận định rằng thị trường vẫn bình ổn vì “dù vàng tăng cao, nhưng không kích thích người dân mua bán”. Còn hiện nay, cả 2 yếu tố này đều đã và đang tiếp tục diễn ra, nhưng vì sao cơ quan quản lý vẫn chưa can thiệp là điều hết sức khó hiểu?

Bạn đang đọc bài viết "Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu" tại chuyên mục Dịch vụ - Thị trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com