Cao Bằng thúc đẩy giao thương qua cửa khẩu với Trung Quốc

Tỉnh Cao Bằng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu với 1 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính, nhiều cửa khẩu phụ và lối mở. Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID - 19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Cao Bằng vẫn có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến giữa tháng 9/2021, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu, lối mở tại Cao Bằng đạt 405,78 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ, đạt 83% kế hoạch. UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, nhờ triển khai linh hoạt, kịp thời các giải pháp, hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở tỉnh Cao Bằng đạt được nhiều kết quả tích cực đồng thời vẫn đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch COVID - 19.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 306,68 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 99,1 triệu USD. Các mặt hàng XK chủ yếu là sản phẩm nông sản như mít, xoài, thanh long, hạt điều, gỗ ván bóc, ớt khô và các mặt hàng thủy sản. Các mặt hàng nhập khẩu phần lớn là vải các loại, than cốc, máy móc, thiết bị. Dự kiến tổng kim ngạch XNK hàng hóa đến hết tháng 12 hoàn thành vượt kế hoạch năm 2021.

Tuy nhiên kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Cao Bằng. Một số hàng hóa nông sản không XK được do phía Trung Quốc có sự chỉ định phân luồng hàng hóa nhập khẩu qua từng cửa khẩu. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu tuy đã được chú trọng đầu tư, nhưng còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các cửa khẩu với nước bạn. Hạ tầng thương mại tại các cửa khẩu chỉ có các kho, bến bãi thông thường, chưa thu hút được đầu tư các kho lạnh, khu chế xuất hàng hóa XNK, siêu thị, trung tâm thương mại...

UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản tại khu vực cửa khẩu tỉnh Cao Bằng thời gian vừa qua gặp khá nhiều khó khăn. Tuy đã mở rộng thêm nhiều thị trường tiêu thụ, song, tỉnh Cao Bằng chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết sản xuất và phân phối, chưa có nhiều mặt hàng có thể truy xuất nguồn gốc, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa bảo đảm cho tiêu thụ lớn... Đối với lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu, trong khoảng nửa đầu tháng 8/2021, hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, giảm mạnh so với tháng 7/2021. Nguyên nhân do Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19, khi tình hình dịch tại nước ta diễn biến phức tạp. Đặc biệt, phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, điều này ảnh hưởng đến việc XK một số mặt hàng nông sản của tỉnh Cao Bằng.

Tăng cường đầu tư hạ tầng

Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã tập trung đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm về giao thông, đặc biệt là các tuyến đường tỉnh kết nối với các cửa khẩu trên địa bàn, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng đã khởi động xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Khi tuyến đường cao tốc này được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đi Hà Nội sẽ rút ngắn một nửa.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong 3 nội dung đột phá chiến lược. Phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế trên 333km đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) tới Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tăng bình quân 10%/năm; thu từ hoạt động phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hoạt động cửa khẩu chiếm trên 30% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

cua-khau-quoc-te-ta-lung-15616787083451593387082-crop-15616787121151033076972

Thúc đẩy phía Trung Quốc sớm công nhận chính thức đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng)

Để thực hiện mục tiêu đó và mục tiêu trước mắt là thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản qua cửa khẩu trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID - 19, UBND tỉnh Cao Bằng cho hay, sẽ phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện hơn nữa quy trình giao nhận, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để đưa cầu Tà Lùng 2, thuộc cửa khẩu quốc tế Tà Lùng sớm đi vào hoạt động. Tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất Bộ Công thương trao đổi với Bộ Ngoại giao về thúc đẩy phía Trung Quốc sớm công nhận chính thức đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng.

Cùng với đó, Cao Bằng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét đưa danh mục Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc) và danh mục dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án cho Nghiên cứu khả thi chung về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam để chuẩn bị nghiên cứu các hạng mục đầu tư các tiểu dự án thành phần trong Khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Xem xét, bố trí nguồn vốn cho tỉnh để triển khai dự án Khu trung chuyển hàng hóa nông, lâm, thủy sản tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện.

Về mặt hàng XK, tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đàm phán với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc để thúc đẩy ký kết Hiệp định về việc XK một số mặt hàng động vật như: Trâu, bò, lợn, sản phẩm động vật theo đường chính ngạch. Tiếp tục hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho cây Thạch đen và một số cây trồng khác để đủ điều kiện XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Công thương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung thêm quy hoạch trung tâm logistics hạng II tại cửa khẩu Trà Lĩnh. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hướng dẫn, điều tiết một số mặt hàng nông, thủy sản đông lạnh XK sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng, đồng thời, giảm ách tắc cục bộ trong XK hàng hóa tại cửa khẩu của các tỉnh khác.