Điểm lại những lần bị “nhắc tên” của mỳ ăn liền Việt Nam tại thị trường nước ngoài

Thùy Nguyễn

12/09/2022 22:31

Theo dõi trên

Cuối tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc) đã có thông báo thu hồi mì ăn liền Omachi nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa chất cấm ethylene oxide. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên những sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam bị thu hồi tại thị trường nước ngoài.

anh-1-1662952173.jpg

 

Đài Loan hủy lô hàng 600 thùng mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam

Ngày 23/8/2022, Hãng tin CNA (Đài Loan) đưa tin Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện mì ăn liền xốt tôm chua cay Omachi nhập khẩu từ Việt Nam có chất bảo vệ thực vật ethylene oxide (EO) chưa được cấp phép sử dụng tại vùng lãnh thổ này.

Theo danh sách vi phạm kiểm tra biên giới mới nhất do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm nói trên công bố ngày 23/8, có tổng cộng 19 loại thực phẩm bị trả lại hoặc tiêu hủy.

anh-2-1662952173.jpg

Sản phẩm mì ăn liền Omachi do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có chứa EO.

Trong đó, với lô mì ăn liền hương vị tôm chua cay do Công ty TNHH Qianyu (Thiên Du) nhập khẩu từ Việt Nam, có 0,195 mg/kg chất EO chưa cấp phép được phát hiện trong gói gia vị. Tổng khối lượng lô mì ăn liền Omachi có chất cấm EO là 1.440kg bị trả về và tiêu hủy (tương đương 600 thùng mì 30 gói, mỗi gói 80 gam).

Theo CNA, EO hiện bị cấm sử dụng trong thực phẩm ở Đài Loan và nhiều nền kinh tế khác, vì chất này được phân loại là chất gây ung thư cấp một. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan nói rằng việc phơi nhiễm lâu dài với chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư và gây ra bệnh thần kinh trung ương hoặc thần kinh ngoại biên.

Liên quan đến sự việc này, chiều 24/8, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) – đơn vị sản xuất mì ăn liền Omachi cho biết kết quả kiểm tra ban đầu ghi nhận công ty không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm mì Omachi Xốt tôm chua cay cho đối tác có tên Công ty Qianyu để xuất khẩu cho thị trường Đài Loan như thông tin cảnh báo của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan.

Theo Masan Consumer, đối với các nhà phân phối, đại lý kinh doanh các sản phẩm Masan Consumer, doanh nghiệp luôn có những điều khoản quy định nghiêm ngặt ghi rõ trong hợp đồng phân phối về việc không được xuất khẩu sản phẩm của thị trường này sang thị trường khác. Do tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước là khác nhau nên các sản phẩm mì Omachi mà Masan Consumer sản xuất khi xuất khẩu cho từng quốc gia và các khu vực cũng khác nhau để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường sở tại.

EU cảnh báo mỳ ăn liền Việt Nam chứa EO vượt ngưỡng

Tháng 7/2022, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, cơ quan này nhận được cảnh báo của EU về một số sản phẩm mỳ ăn liền xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, Đức, Ba Lan và Malta đã gửi cảnh báo đối với các sản phẩm mì ăn liền, bánh phở do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.

Tuy nhiên, theo thông tin rà soát sơ bộ từ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong 03 trường hợp bị cảnh báo chỉ có 01 trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Cụ thể, Đức đã đưa ra cảnh báo về sản phẩm mì ăn liền hương vị gà và hương vị cà ri do Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (ASIA FOODS) sản xuất vì chứa hàm lượng EO cao hơn tiêu chuẩn của EU.

Chia sẻ với truyền thông, đại diện Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, vẫn đang kiểm tra, xác minh với lô hàng của doanh nghiệp bị Đức cảnh báo có tỷ lệ EO vượt ngưỡng cho phép. Nhưng nhiều khả năng lô này xuất khẩu từ năm 2021 - thời điểm các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.

Từ 17/2, EU đã áp dụng yêu cầu về chứng thư đối với từng lô sản phẩm mỳ ăn liền nhập khẩu vào khu vực này. Những lô hàng xuất khẩu sau ngày này được kiểm soát EO, chưa có lô hàng nào bị trả lại.

Vị này cho hay, thông tin ban đầu nước sở tại cảnh báo mỳ ăn liền có chứa EO vượt ngưỡng 2-3 lần cho phép. Hiện tỷ lệ EO được phép theo quy định của EU khá thấp, chỉ 0,01 mg/kg, nên giá trị tuyệt đối chất này có trong mỳ ăn liền của doanh nghiệp khoảng 0,02-0,03 mg.

Trước bối cảnh vẫn có các lô mỳ xuất khẩu sang EU ghi nhận vượt ngưỡng EO, đại diện Vụ Khoa học & Công nghệ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục lấy mẫu diện rộng với sản phẩm mỳ ăn liền ở thị trường nội địa, nhất là các sản phẩm có sử dụng gói gia vị. Việc này nhằm đánh giá hiện trạng chất EO trong sản phẩm, và xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép với chất này trong mỳ ăn liền.

Thu hồi sản phẩm của Acecook tại Ireland và Pháp

Tháng 8/2021, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo quyết định thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền của Công ty CP Acecook Việt Nam (Acecook Việt Nam).

anh-3-1662952173.JPG

Thông báo thu hồi sản phẩm trên trang web của FSAI

Theo thông tin từ website của FSAI, một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có chứa chất EO. Trong danh sách thu hồi có 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng 24/9/2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng 10/11/2022) là của Công ty Acecook Việt Nam. Còn lại sản phẩm mì hải sản Yato (120g, hạn sử dụng 30/11/2022) có xuất xứ từ Trung Quốc.

Sau sự việc trên, đầu tháng 12/2021, trang thu hồi của Pháp đã đăng tải thông tin về việc tiến hành thu hồi một số sản phẩm của Acecook Việt Nam.

Theo đó, các lô bị thu hồi tại Pháp lần này gồm mỳ tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey... Những sản phẩm này có hạn sử dụng tới tháng 3, tháng 5, tháng 8 và tháng 9/2022. Lý do thu hồi là các sản phẩm trên chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.

Đại diện Acecook khẳng định, "Việc thu hồi các sản phẩm được đề cập trong thông tin trên là hoạt động chủ động và tự nguyện từ Acecook Việt Nam, nhằm đảm bảo chất lượng những sản phẩm của công ty chúng tôi".

Theo doanh nghiệp này, toàn bộ sản phẩm này được sản xuất và xuất khẩu sang Pháp từ trước tháng 7/2021, trước khi có sự cố sản phẩm bị thu hồi tại Ireland. Nhận thấy có rủi ro tương tự, cuối tháng 11/2021, Acecook Việt Nam đã chủ động thông báo cho đại lý bán hàng và tiến hành thu hồi những sản phẩm tại thị trường Pháp.

Mặc dù hoạt động thu hồi sản phẩm của Acecook Việt Nam là hoạt động mang tính chủ động và tự nguyện từ phía Acecook Việt Nam, tuy nhiên, theo các quy định tại Pháp, đại lý cũng thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng và cơ quan chức năng.

Phở ăn liền Peacock bị thu hồi ở Hàn Quốc

Trước lô mì tôm Hảo Hảo và miến Good của Acecook Việt Nam bị FSAI thu hồi vì chứa chất cấm, cuối năm 2020, phở ăn liền Peacock của Acecook Việt Nam đã bị thu hồi tại Hàn Quốc.

Cụ thể, ngày 17/12/2020, hãng tin Yonhap News (Hàn Quốc) đưa tin, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) đã cho phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền thu hồi và xử lý sản phẩm phở ăn liền Peacock do Acecook Việt Nam sản xuất có hạn sử dụng đến ngày 3/12/2021, ngày 5/4/2022 và ngày 19/4/2022.

anh-4-1662952173.jpg

Sản phẩm phở ăn liền Peacock của Acecook Việt Nam bị thu hồi ở Hàn Quốc

Phở ăn liền Peacock là sản phẩm của Acecook Việt Nam gia công theo đơn đặt hàng của Emart Hàn Quốc (chuỗi siêu thị bán lẻ của Hàn Quốc). Nguyên nhân thu hồi được đưa ra là vì phát hiện trong phở ăn liền Peacock có chứa chất Benzo(a)pyrene.

Thông tin thêm về vụ việc, Acecook Việt Nam thời điểm đó cũng đã hoàn tất việc điều tra nguyên nhân. Chất Benzo(a)pyrene không được phát hiện trong mọi công đoạn sản xuất sản phẩm tại Acecook Việt Nam. Thay vào đó, Benzo(a)pyrene được tìm thấy ở một loại nguyên liệu gia vị thô, được sử dụng trong gói dầu của sản phẩm phở Peacock.

Cần rà soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm lưu hành nội địa

Sau thông tin EU phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa EO vào tháng 7/2022, các cơ quan chức năng của Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất này.

Có thể thấy, việc những lô hàng của Việt Nam bị thị trường quốc tế cảnh báo, thu hồi và đăng tải thông tin trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đã ảnh hưởng rất lớn tới sản phẩm thực phẩm xuất xứ từ Việt Nam.

Thực tế, mỗi quốc gia sẽ có những quy định khác nhau về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, để tránh vi phạm các quy định của các thị trường dự kiến xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa.

Tại Việt Nam, theo ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, thông tư 50/2016 của Bộ Y tế về quy định mức tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm không quy định dư lượng của chất EO. Tuy nhiên, việc không quy định không có nghĩa là được phép sử dụng. Còn trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, EO là chất cấm, không được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu bệnh.

Hiện nay chưa có công bố chính thức mức sử dụng hàm lượng EO bao nhiêu thì ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nếu EO tích lũy dần trong cơ thể thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe người sử dụng. Những sản phẩm ăn liền như mì khô, phở khô,.. đều là món ăn quen thuộc đối với nhiều người bởi tính tiện dụng của nó. Bởi vậy, Việt Nam nên sớm ban hành quy định về mức giới hạn chất EO bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm. Đồng thời có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm lưu hành nội địa nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

 

Ethylene oxide (hay còn gọi là oxiran và epoxit) là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C2H4O, thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.

Tại châu Âu, Ethylene oxide (EO) được xếp nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.

Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm EO tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Cụ thể, chất này khi nhiễm vào cơ thể, sẽ làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và ADN, từ đó tạo nên chất gây ung thư cơ bản.

Theo quy định Reg. 1223/2009/EC của Hội đồng châu Âu, chất EO ở dạng khí được phân loại trong nhóm 1B tương ứng về khả năng gây ung thư gây đột biến và độc tính sinh sản, và ở loại 3 về độc tính cấp tính.

Thùy Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Điểm lại những lần bị “nhắc tên” của mỳ ăn liền Việt Nam tại thị trường nước ngoài" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com