Giá thực phẩm đẩy CPI tháng 4/2023 giảm 0,34%

Theo Tổng cục Thống kê, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào, học phí được điều chỉnh là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm.

image-9-1683025589.png

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 4 và 4 tháng các năm giai đoạn 2019-2023 (%)

Theo đó, CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước, tăng 0,39% so với tháng 12/2023 và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 4,9%.

Trong mức giảm 0,34% của CPI tháng 4/2023 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, 04 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm giáo dục có mức giảm mạnh nhất với 1,3% do các địa phương giữ ổn định mức thu học phí để tiếp tục hỗ trợ cho người dân; nhóm vật liệu xây dựng giảm 0,83% giá thuê nhà tăng 0,65%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,22%;

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,45%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,38%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08%;  Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,08%.

Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông tăng 0,43%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,35%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,02%.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%).  

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.