Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, Chỉ giới đường đỏ của nút giao được xác định thông qua các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế thể hiện chi tiết trên bản vẽ. Đối với Đại lộ Thăng Long nằm ngoài phạm vi nút giao, sẽ được xác định theo hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản vẽ chỉ giới đường đỏ nút giao theo Quyết định phê duyệt của UBND Thành phố.
Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội được giao tổ chức công bố công khai chỉ giới đường đỏ nút giao được duyệt và bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ được duyệt cho UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan để các tổ chức, cá nhân có liên quan được biết, thực hiện.
Việc cắm mốc giới nút giao sẽ được thực hiện đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thuộc dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội để tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác cắm mốc giới và do chủ đầu tư được giao dự án.
Tháng 8/2022, Hà Nội đã công bố chỉ giới đường đỏ tuyến Vành đai 4, đoạn từ cầu Hồng Hà đến Quốc lộ 18, tỷ lệ 1/500, tại các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Dự án Đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).
Dự án được chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Tổng diện tích đất chiếm dụng khi xây dựng dự án khoảng 1.341ha, trong đó thành phố Hà Nội 741ha, cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường.
Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Công trình được chuẩn bị đầu tư năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác năm 2027.
Chính phủ và UBND TP.Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án vành đai 4 như Vingroup (nhà đầu tư đề xuất dự án), T&T, Him Lam, DIC…