
Cụ thể, bà Trịnh Mai Vân – con gái lớn của ông Trịnh Văn Tuấn – đăng ký bán ra 18 triệu cổ phần vì nhu cầu cá nhân. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của bà tại OCB sẽ giảm từ 47,36 triệu cổ phần (tương đương 1,92%) xuống còn 29,36 triệu cổ phần (1,19%).
Trong khi đó, bà Trịnh Mai Linh – một người con gái khác của Chủ tịch OCB – cũng đăng ký bán 10 triệu cổ phần, dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu từ 55,3 triệu cổ phiếu (2,24%) xuống còn 45,3 triệu cổ phiếu (1,84%).
Cả hai giao dịch đều được thực hiện theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trong khung thời gian nêu trên.
Trước đó, chỉ trong vòng 6 ngày từ 21–26/3, bà Mai Vân và bà Mai Linh đã bán tổng cộng 95 triệu cổ phiếu OCB. Cộng dồn các đợt giao dịch, lượng cổ phần mà hai ái nữ nhà Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn đã và sẽ bán ra lên tới 113 triệu đơn vị, cho thấy động thái thoái vốn gia đình ở quy mô lớn.
Gia đình ông Trịnh Văn Tuấn hiện sở hữu khối lượng cổ phần đáng kể tại OCB. Tính đến cuối năm 2024: Ông Trịnh Văn Tuấn: 109,34 triệu cổ phiếu (4,43%); Bà Cao Thị Quế Anh (phu nhân): 79,2 triệu cổ phiếu (3,21%); Bà Trịnh Thị Mai Anh (con gái, hiện là Thành viên HĐQT): 72,5 triệu cổ phiếu (2,94%)
Ngoài ba người con gái kể trên, gia đình Chủ tịch còn một ái nữ khác là bà Trịnh Mai Phương (Paula), hiện chưa công bố thông tin sở hữu cổ phần tại OCB.
Trong diễn biến khác, ngày 22/4 vừa qua, OCB đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, thông qua nhiều chỉ tiêu tài chính tham vọng: Tổng tài sản cuối năm 2025 dự kiến đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13%; Tổng huy động thị trường 1: 218.842 tỷ đồng, tăng 14%; Tổng dư nợ thị trường 1: 208.472 tỷ đồng, tăng 16%; Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 5.338 tỷ đồng, tăng 33%; Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.
Ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương 1.726 tỷ đồng. Đồng thời, kế hoạch phát hành gần 197,3 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ từ 24.658 tỷ đồng lên 26.631 tỷ đồng cũng đã được cổ đông thông qua.