Lối thoát cho Xi măng Miền Trung
Mới đây, Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) vừa cóvăn bản báo cáo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) về việc thoái vốn của doanh nghiệp này khỏi Công ty Xi măng Miền Trung (CRC). Văn bản này đã "hé mở lối thoát" của CRC sau 7 năm vướng quy hoạch, nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất phải tạm dừng hoạt động.
Trong văn bản này, Xi măng Bỉm Sơn đưa ra 2 phương án là giữ lại Xi măng Miền Trung theo chiến lược của VICEM và phương án thoái vốn.
Với phương án giữ lại Xi măng Miền Trung, vào cuối tháng 2 vừa qua, doanh nghiệp này đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, được UBND tỉnh thông tin, hiện nay đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch, nhà máy nằm trong khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Dung Quất, do đó dân cư xung quanh khu vực sẽ được giải tỏa tái định cư.
Đối với phương án thoái vốn, Xi măng Bỉm Sơn cho biết, thực hiện văn bản của Hội đồng thành viên VICEM và Nghị quyết của HĐQT công ty về phương án thoái toàn bộ vốn đầu tư của Xi măng Bỉm Sơn tại Xi măng Miền Trung với hơn 9,9 triệu cổ phần, chiếm 76,8% vốn điều lệ, giá trị đầu tư là 115 tỉ đồng, đảm bảo thoái vốn thu hồi công nợ của Xi măng Bỉm Sơn tại doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu, Xi măng Miền Trung chủ yếu sản xuất, kinh doanh, triển khai Dự án đầu tư nhà máy Nghiền xi măng Đại Việt - Dung Quất. Nhà máy này có công suất thiết kế 500.000 tấn xi măng/năm; hệ máy nghiền xi măng gồm 1 máy cán ép 2 trục, công suất 140-165 tấn/giờ, 1 máy nghiền xi măng công suất 75 tấn/giờ.
Nhà đầu tư nào quan tâm mua lại khoản đầu tư trăm tỉ của Xi măng Bỉm Sơn?
Về phương án thoái vốn với 9,9 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, Xi măng Bỉm Sơn cho biết, công ty cũng đang triển khai các trình tự theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn và thời gian qua đã có nhiều đối tác quan tâm mua lại vốn đầu tư tại Xi măng Miền Trung.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thiên Phú và Công ty CP Xi măng Đức Sơn là 2 doạnh nghiệp muốn mua lại toàn bộ cổ phần của Xi măng Bỉm Sơn tại Công ty CP Xi măng Miền Trung.
Theo đó, Xi măng Miền Trung đã cung cấp hồ sơ cần thiết theo đề nghị của Công ty TNHH MTV Thiên Phú. Ngày 25.2, hai bên tiếp tục làm việc và Công ty Thiến Phú mong muốn mua lại nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất.
Tương tự, Công ty Xi măng Đức Sơn cũng bày tỏ mong muốn mua toàn cổ phần và đề nghị Xi măng Bỉm Sơn cung cấp một số thông tin về dây chuyền sản xuất, báo cáo tài chính, hồ sơ pháp lý và công nợ đối với các khách hàng để nghiên cứu. Chào giá bán toàn bộ số cổ phần chi phối.
Về công nợ của Xi măng Bỉm Sơn và Xi măng Miền Trung, sau khi hoàn tất mua, hai bên sẽ rà soát đối chiếu đề thanh toán đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Với hai phương án trên, Xi măng Bỉm Sơn đề xuất mời VICEM và HĐQT công ty sắp xếp lịch để làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trong khoảng thời gian từ ngày 10.3.2023 đến 15.3.2023 về việc tháo gỡ các vướng mắc và hỗ trợ đưa nhà máy Xi măng Đại Việt vận hành ổn định.
Trước đó, vào ngày 6.4.2013, Xi măng Bỉm Sơn và Xi măng Miền Trung đã ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Theo đó Xi măng Bỉm Sơn nắm giữ 76,8% cổ phần chi phối tại Xi măng Miền Trung. Việc chuyển nhượng có hiệu lực từ tháng 5.2013.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016, Xi măng Miền Trung đã tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do phản ánh của người dân địa phương về vấn đề môi trường.
Năm 2018, Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Xi măng Miền Trung khắc phục cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường tại nhà máy Xi măng Đại Việt – Dung Quất. Nhưng vì nhiều lý do nên gần chục năm qua nhà máy mi măng này không thể hoạt động liên tục.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc tháo gỡ khó khăn đối với nhà máy Xi măng Đại Việt. Hai bên thống nhất rằng nếu di di dời nhà máy hoặc dừng hoạt động thì sẽ lãng phí tài sản, vốn nhà nước và kiến nghị Chính phủ để nhà máy hoạt động tại vị trí hiện tại đồng thời có phương án, lộ trình di dời người dân.