Loạt ngân hàng MBBank, TechcomBank, ACB… hâm nóng thị trường trái phiếu

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 277.450 tỷ đồng, riêng nhóm ngân hàng đã chiếm tới 70,9% tổng giá trị.

image-20241007153238-1-1728354223.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 27/9, đã có 25 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9 được ghi nhận với tổng giá trị đạt 23.802 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 277.450 tỷ đồng, với 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng (chiếm 9,8% tổng giá trị phát hành) và 268 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 250.396 tỷ đồng (chiếm 90,2% tổng số).

Trong đó, trái phiếu ngân hàng dẫn đầu khi chiếm tới 70,9% tổng giá trị trái phiếu, trái phiếu bất động sản xếp thứ hai và chỉ chiếm khiêm tốn gần 17,9%.

Các ngân hàng lớn như Techcombank, MBBank, ACB,… đã thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu trong năm.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Techcombank đã huy động thành công 31.700 tỷ đồng từ 14 đợt phát hành trái phiếu với lãi suất 4,6%/năm. Tính riêng trong tháng 9, ngân hàng đã phát hành gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất phát hành là 5%/năm. 

Theo giải trình từ ngân hàng, số tiền thu được từ phát hành và chào bán trái phiếu sẽ được sử dụng để cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Thời điểm giải ngân trước 31/12/2024. 

Thời gian tới, MBBank cũng sẽ phát hành 30.000 trái phiếu, với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, theo hình thức chào bán riêng lẻ, dành cho đối tượng đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định pháp luật.

Theo đó, số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tăng vốn cấp II và cho vay đối với các khách hàng có nhu cầu hoặc phục vụ các hoạt động, kinh doanh của ngân hàng. 

Từ đầu năm đến nay, ACB đã phát hành tổng cộng 12 lô trái phiếu ra thị trường với tổng giá trị 27.840 tỷ đồng. Trong đó, các lô trái phiếu lớn nhất có giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng. Riêng trong tháng 9/2024, ACB đã huy động thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng.

Loạt nhà băng khác như BIDV, VPBank, OCB... cũng có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ - dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - với mức lãi cao hơn tiền gửi khoảng 1-1,5%.

Các chuyên gia của Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tăng tốc từ tháng 6, báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu vay vốn cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Do đó, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn trên 3 năm khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc.

Trong khi đó, đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating dự báo 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng tăng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.