#thống nhất đất nước

Lõm chính trị trong Đại thắng mùa Xuân 1975 – Nơi ý Đảng và lòng dân hội tụ

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) xâm lược, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là điểm quyết chiến chiến lược, là một chiến trường tiến công địch trên tất cả các mặt, là trung tâm đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận có ý nghĩa chiến lược trên toàn miền Nam.
25-04-2025-lom-chinh-tri-trong-dai-thang-mua-xuan-1975-noi-y-dang-va-long-dan-hoi-tu-9b252e91-details-1745813680.jpg
Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 họp bàn phương án tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Thành phố luôn xem trọng xây dựng các căn cứ kháng chiến, xây dựng hậu phương chiến lược nhằm tạo nên một trong những nhân tố quyết định thắng lợi. Khác với các căn cứ kháng chiến được xây dựng tại các vùng giải phóng rộng lớn như: U Minh, Đồng Tháp Mười, Chiến khu D, căn cứ Trung ương Cục tại Tây Ninh…; căn cứ kháng chiến trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mang những đặc trưng riêng có của mình, phù hợp với cuộc đấu tranh tại đô thị. Nổi bật nhất là các “căn cứ lõm”, “lõm chính trị” - loại hình căn cứ đặc biệt, “căn cứ lòng dân” ngay tại sào huyệt của kẻ thù. Nơi đây, người dân một lòng tin theo Đảng, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, đảng  viên, sẵn sàng hy sinh, đóng góp tài sản, của cải, sẵn sàng xả thân để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Lõm chính trị - những “căn cứ lòng dân”, những “mái nhà an toàn”

Ngày 20 tháng 9 năm 1961, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức Hội nghị quân sự, quyết định chia địa bàn Sài Gòn - Gia Định thành 3 vùng: vùng căn cứ giải phóng, vùng tranh chấp ven đô và nội thành. Hội nghị đề ra cho mỗi vùng một phương thức, hình thức và nội dung đấu tranh phù hợp. Vùng giải phóng lấy đấu tranh vũ trang làm chính, kết hợp với đấu tranh chính trị nhằm giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Vùng tranh chấp ven đô tiến hành đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang song song nhằm từng bước đánh bại âm mưu, thủ đoạn gom dân, lập ấp chiến lược của địch, tiến lên giành quyền làm chủ với mức độ thích hợp, tạo được các “lõm du kích” sát ven đô. Ở nội thành lấy đấu tranh chính trị làm chính, có kết hợp mức độ với dùng vũ trang nhằm gây tổn thất cho địch, uy hiếp tinh thần địch, cố gắng xây dựng nhiều “lõm chính trị” ngay trong lòng Thành phố. Tiếp theo sau đó, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cũng liên tục chỉ đạo khẩn trương xây dựng nhiều “lõm chính trị” tại các xóm lao động, cơ sở cách mạng… tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang áp sát nội thành.

“Căn cứ lõm”, “lõm chính trị” ở Sài Gòn - Gia Định là những vị trí nằm sát hoặc nằm ngay trong Thành phố, vùng địch chiếm đóng và kiểm soát chặt chẽ; gồm nhiều vị trí cụ thể cố định hoặc không cố định. Hai yếu tố cốt lõi nhất để căn cứ cách mạng hình thành trong vòng vây của địch bao gồm: Vị trí độc đáo nơi xây dựng căn cứ và lòng yêu nước của quần chúng nhân dân. Nhưng điều quan trọng có tính quyết định nhất vẫn là yếu tố con người; căn cứ lõm hay bất cứ hình thái căn cứ cách mạng nào dù có “thiên thời” và “địa lợi” thật tốt đến đâu, cũng chỉ dựa vào yếu tố “nhân hòa” ấy mà tồn tại và phát huy vai trò vị trí đặc biệt của nó. Đây cũng là quá trình xây dựng và phát triển thực lực cách mạng quần chúng ở ngay trong lòng địch, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chỉ đạo, nó là những vùng nhân dân làm chủ “xuất hiện trong vòng vây của địch... là chỗ đứng chân của cách mạng, đồng thời là chỗ dựa để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang cách mạng”[1].

Các “lõm chính trị” ở Sài Gòn - Gia Định là những khu vực do cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng làm chủ; là các hầm bí mật, các gia đình, cơ sở cách mạng, nơi có thể trú ngụ tập kết lực lượng nhỏ mà địch không ngờ tới, nơi cất giấu lương thực, vũ khí và các trang thiết bị, đảm bảo hậu cần tại chỗ cho tác chiến, nơi che giấu các tổ vũ trang, chính trị, cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo phong trào ở cơ sở, nơi hoạt động bí mật của cán bộ, chiến sĩ và cơ sở cách mạng; là những “căn cứ lòng dân”, những “mái nhà an toàn” cho lực lượng kháng chiến.

Có thể kể đến các “lõm chính trị” điển hình như: Nhà số 183/4 Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2, Quận 10) là hầm bí mật cất giấu vũ khí phục vụ cho đánh Tổng nha Cảnh sát; tiệm Phở Bình số 7 đường Yên Đổ (nay là Phở Bình đường Lý Chính Thắng, Quận 3) là nơi đặt Chỉ huy sở tiền phương Phân khu 6 và Chỉ huy của biệt động Sài Gòn trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; nhà số 287/70 đường Trần Quý Cáp (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) có hầm chứa nhiều loại vũ khí như súng ngắn, AK, B40, bộc phá để đánh Dinh Độc Lập; hiệu may Quốc Anh số 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) có căn hầm chứa vũ khí cho trận đánh vào Đài Phát thanh; số nhà 436/58 đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng tháng Tám, Quận 3) là kho vũ khí phục vụ đánh Dinh Độc Lập; nhà số 248/27 Nguyễn Huỳnh Đức (nay là đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận) có hầm và kho vũ khí phục vụ đánh Bộ Tổng Tham mưu quân ngụy Sài Gòn; nhà số 59 đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, Quận 1) có hầm chứa vũ khí đánh tòa Đại sứ Mỹ; vùng lõm chính trị Bàn Cờ (Quận 3), các tiệm tạp hóa, nhà in… đều là các cơ sở cách mạng, trạm giao liên, hầm bí mật cất giấu vũ khí, nơi nuôi giấu cán bộ, người dân bám trụ từng ngõ hẻm để báo động cho các cơ sở;

anh-2-1745813716.jpg
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Vùng lõm chính trị Bảy Hiền (Quận Tân Bình), lọt thỏm trong vòng vây dày đặc các căn cứ quân sự và sân bay Tân Sơn Nhất nhưng nhà nào cũng có hệ thống cửa kéo, đèn báo hiệu liên hoàn để bảo vệ an toàn cho cán bộ về hoạt động, người dân đi khắp nơi mua gom và dệt nhuộm hàng chục ngàn mét vải đỏ để may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam… và các “căn cứ lõm”, “lõm chính trị” khác như: Bác Ái, Cầu Bông (Gia Định), Xóm Chùa, Tân Định (Quận 1), Hố Bần (Quận 8, Bình Chánh), Vùng Bưng Sáu Xã (Thủ Đức), Trung An, Tân Phú Trung (Củ Chi), Cầu Bông (Gia Định), khu lao động Bàn Cờ (Quận 3), khu Xóm Chùa, Tân Định (Quận 1), chùa Châu Hưng, chùa Pháp Hoa (Phú Nhuận), Đông Ba (Phú Nhuận), Cây Bàng (Quận 4)…

Lõm chính trị - Nơi ý Đảng, lòng dân hội tụ

Đô thành Sài Gòn là nơi địch kiểm soát rất chặt chẽ, không có vùng giải phóng che chở, không có phòng tuyến quân sự bảo vệ. Các “lõm chính trị” hình thành và phát triển vững chắc nhờ dựa vào lòng dân - đó là muôn triệu tấm lòng luôn hướng về cách mạng, về Đảng, về Bác Hồ, đã luôn yêu thương cán bộ, chiến sĩ; chở che, cưu mang đùm bọc, bảo vệ tạo thành thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc. Đội quân xây dựng các kho, hầm bí mật, liên lạc, dò la tình hình của địch và vận chuyển vũ khí chỉ là những người dân bình thường như ông già, trẻ em, nữ sinh, người lao động, người tiểu thương, bà nội trợ; những gia đình người dân, tiệm ăn, quán nước, cửa hàng tạp hóa... Đó là những địa chỉ mật - nơi cất giấu và cung cấp vũ khí, nơi trú và ém quân, làm bàn đạp tổ chức tiến công, nơi đảm bảo phương tiện phục vụ chiến đấu như xe ô tô, xe gắn máy và những phương tiện khác khi vận chuyển người, vũ khí.

Mặc dù bị khủng bố rất ác liệt, nhưng người dân ở các “lõm chính trị” vẫn luôn hướng về cách mạng, sẵn sàng đối diện với cảnh tù đày tra tấn dã man của kẻ thù để che chở cho những chiến sĩ cách mạng. Họ có thể làm như vậy là vì một niềm tin vững chãi vào những chiến sĩ cách mạng, một niềm tin vô bờ bến với cách mạng, với Đảng và một niềm tin không gì lay chuyển được về ngày toàn thắng. Những người dân bình thường mang trong mình niềm tin ấy và bản thân họ cũng trở thành những chiến sĩ cách mạng.

Có những khu xóm lao động, bọn mật thám, mật vụ, chỉ điểm trà trộn, dò la tin tức nhưng bị quần chúng vạch mặt, bao vây, cô lập nên chúng hoảng sợ bỏ trốn. Họ chiến đấu một cách thầm lặng, nhiều người trong số họ cũng phải chịu biết bao cực hình tra tấn trong nhà tù của kẻ thù, hoặc liên lụy đến cả gia đình họ thế nhưng không hề hé môi về những chiến sĩ, những tổ chức mà họ nuôi dấu chở che, họ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Nhờ vào những căn cứ lòng dân tưởng như vô hình nhưng lại vững chãi như thành đồng ấy mà Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian nguy, hiểm trở, kiên cường kháng chiến, liên tiếp giành được chiến công vang dội; những thành tích to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, dưới sự bố ráp gắt gao của kẻ thù, sự tra xét của hàng nghìn cảnh sát, sự soi mói của những tên mật vụ, chỉ điểm, nếu không có lòng dân, thì sẽ không có căn hầm nào đủ sâu, không có địa đạo nào đủ dài để che chở cho người chiến sĩ đi hết con đường cách mạng. “Căn cứ lòng dân” xuất phát từ lòng yêu nước, từ sự đoàn kết toàn dân “muôn người như một” nguyện bước theo sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trở thành bức thành đồng vững chắc mà không có đội quân xâm lăng nào có thể công phá được.

“Đảng tin dân”, “dân tin Đảng”, ý Đảng và lòng dân hòa làm một. Đây chính là cơ sở để lãnh đạo Thành phố đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp; những lúc khó khăn, thách thức, những thời điểm phong trào cách mạng chịu nhiều tổn thất nặng nề càng tin vào nhân dân, càng bộc lộ ra bản lĩnh, phẩm chất chính trị đặc biệt này, một phẩm chất chính trị được hình thành, tôi luyện trong hoạt động bí mật, lãnh đạo kháng chiến tại một địa bàn là trung tâm sào huyệt đầu não của địch, do đã bám dân, luôn dựa vào dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, nuôi dấu… để hoạt động, để phát động, tổ chức nhân dân đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận.

Và khi giành được chính quyền, qua thực tiễn càng có cơ sở của lòng tin mãnh liệt, sâu sắc vào lòng yêu nước, vào nghị lực cách mạng, vào sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân. Niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng và niềm tin vào sức mạnh của nhân dân là tố chất nổi bật ở người cộng sản.

Kế thừa và phát huy bài học “ý Đảng - lòng dân” từ việc xây dựng các “lõm chính trị” trong kháng chiến

Nhìn lại quá trình 50 năm xây dựng và phát triển, TPHCM đã vượt qua biết bao khó khăn, thách thức và trong dòng chảy lịch sử ấy, có thể nêu lên một số kinh nghiệm:

anh-3-1745813715.jpg
Nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) được đầu tư đồng bộ. (Ảnh: SGGP)

Một là, Đảng bộ Thành phố phải luôn gắn bó máu thịt với nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tin dân, tin vào con người; trọng dân, học dân, dựa vào dân, phát huy sức dân; hết lòng chăm lo đời sống nhân dân. Trước nay chúng ta chỉ đặt vấn đề dân tin Đảng, nhưng thực tế cho thấy để tạo được lòng tin với nhân dân, trước hết Đảng phải tin dân. Lòng tin này được thể hiện ở sự công khai, minh bạch, dân chủ từ những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước đến cả những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong Đảng. Có công khai, minh bạch, dân chủ thì Đảng mới có được niềm tin của nhân dân, đưa nhân dân xích lại gần với Đảng, cùng chung vai gánh vác những nhiệm vụ nặng nề của đất nước.

Hai là, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thành phố luôn đặt lên hàng đầu mục tiêu cốt yếu là chăm lo đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, vì lợi ích cơ bản, lâu dài, trực tiếp, trước mắt của người dân trong mọi chương trình hành động, mọi kế hoạch công tác của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đảng bộ Thành phố phải cùng chung hơi thở và vận mệnh với nhân dân, lắng nghe nhân dân muốn gì, cần gì để đưa “hơi thở” của nhân dân từ thực tiễn phong phú của cuộc sống vào trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng và khi đó chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống sẽ được nhân dân chấp nhận và đón nhận một cách tích cực. Và căn cứ để đánh giá thành quả, kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, là sự hài lòng, đồng thuận của dân đối với chủ trương, chính sách ấy.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”[2]. Gắn bó với nhân dân là yêu cầu cấp thiết trong mọi giai đoạn phát triển của cách mạng. Gắn bó với nhân dân để phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm trong dân, huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước và quan trọng hơn hết là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Do vậy, trước các vấn đề khó khăn, thử thách, Đảng bộ Thành phố không chùn bước, không bó tay mà tìm kiếm trong thực tiễn cách mạng, trong sản xuất, trong đời sống lời giải đáp, tạo ra cách làm mới, mô hình mới; trong đó hết sức chú trọng các vấn đề bức xúc của dân, trực tiếp tìm lời giải với trách nhiệm cao, bằng sự năng động, sáng tạo, bằng các quyết định, chủ trương đúng đắn.

Bốn là, dựa vào nhân dân, phát huy sức dân, khoan thư sức dân, khơi dậy nguồn lực trong dân bằng chính sách phù hợp, tạo động lực, để nhân dân thực sự là chủ thể của quá trình phát triển. Thành phố chú trọng tổ chức nhiều hình thức tổ chức thích hợp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố, làm cho “căn cứ lòng dân” ngày càng vững chắc.

Năm là, Đảng bộ Thành phố chú trọng giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng; dũng cảm nhận khuyết điểm, sai lầm trước dân và kịp thời sửa chữa; là một trong những cách thức quan trọng để cán bộ, đảng viên Thành phố phát huy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Mọi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong sự giám sát của nhân dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, trước hết phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, suốt đời phấn đấu vì tự do, hạnh phúc, lợi ích chính đáng của nhân dân.

“Ý Đảng, lòng dân” đã tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam làm nên những thắng lợi lẫy lừng: Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đánh đổ ách thống trị của chế độ thực dân - phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân, vì dân; trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, yếu tố “Ý Đảng - lòng dân” là một trong những vấn đề quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Phát huy bài học “Ý Đảng - lòng dân”, truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhất định Đảng bộ thành phố sẽ lãnh đạo xây dựng, bảo vệ, phát triển TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cùng cả nước, vì cả nước, đi trước và về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Vũ Hà My

---------------------------

[1] Võ Nguyên Giáp, Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 90.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10 (1955-1957), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.197.