Một doanh nghiệp vừa phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu: Tín hiệu thị trường đang phục hồi?

Khánh Chi

13/03/2023 23:53

Theo dõi trên

Sau một thời gian dài thị trường vắng bóng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công với quy mô lớn, ngày 13/3/2023, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An công bố thông tin phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu.

cong-ty-co-phan-dau-tu-va-kinh-doanh-nam-an-pld-1678726243.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An đã phát hành thành công 47.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.

Trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An có kỳ hạn 18 tháng, được phát hành và hoàn tất phát hành trong ngày 10/3/2023; đáo hạn vào ngày 10/9/2024.

Với việc huy động thành công số vốn 4.700 tỷ đồng, Nam An là công ty hiếm hoi phát hành trái phiếu thành công trên thị trường. Đây có thể tín hiệu tín cực cho sự phục hồi của thị trường trái phiếu sau một thời gian dài vắng bóng các doanh nghiệp phát hành quy mô lớn.

Nam An là công ty cổ phần chưa đại chúng, có trụ sở chính tại khu đô thị sinh thái Vinhomes Riversides, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.

Theo thống kê dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 2/2023, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng. Trong đó, 1 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 500 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land) và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.500 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN). Các đợt phát hành này đều có lãi suất thả nổi, với kỳ hạn phát hành từ 2,5 - 5 năm.

Trong tháng 2, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 5.94 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ tháng 2/2022.

Tính từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Về trái phiếu tới hạn, theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 3 là 17,7 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với tháng trước. Trong đó, một số nhóm ngành chịu áp lực đến hạn lớn như bất động sản (7,69 nghìn tỷ, chiếm 43% giá trị đến hạn).

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu đang dần tăng lên.

Đến ngày 5/3/2023, báo cáo của Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

VnDirect ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ TPDN toàn thị trường. Khoảng gần 38,5 nghìn tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Theo đó, VnDirect cho rằng, để thị trường TPDN có thể phục hồi sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Thứ nhất, cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.

Thứ hai, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

Thứ ba, tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng TPDN tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng. Vì vậy VnDirect cho rằng thị trường chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP yêu cầu ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm bớt khủng hoảng tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này.

Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Một là hoàn thiện thể chế. Hai là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ba là nguồn vốn tín dụng. Bốn là nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp. Năm là tổ chức thực hiện của các địa phương như nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Sáu là thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.

Tuần trước, chính phủ cũng đã ban hành các quy định sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng.

Bạn đang đọc bài viết "Một doanh nghiệp vừa phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu: Tín hiệu thị trường đang phục hồi?" tại chuyên mục Chứng khoán - Trái phiếu. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com