Ngày 19/10, tại Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số do báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng bán, mua thuốc không đơn rất phổ biến, bao gồm nhiều loại thuốc theo quy định phải có đơn của bác sĩ mới được bán – mua như kháng sinh… Thực tế này đang góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh rất đáng báo động.
Theo Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, vấn đề hiện nay xảy ra khi sử dụng việc kê đơn thuốc giấy (viết tay trên sổ y bạ hoặc đơn rời hoặc kê bằng máy tính trên phần mềm), đó là không xác minh được tính chính xác là đơn có thật hay không, người kê đơn hay cơ sở xuất đơn có đủ thẩm quyền kê đơn không.
Đơn thuốc giấy cũng không quản lý được thời hạn đơn, trong khi quy định hiện nay thuốc kê đơn tối đa là 5 ngày (kể từ ngày kê đơn) nhưng nhiều người dân vẫn mua được thuốc dù cầm đơn thuốc từ nhiều năm trước. Điều này rất nguy hiểm, vì tình trạng bệnh mỗi thời điểm khác nhau và mặt bệnh có thể cũng khác nhau.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng chia sẻ, tình trạng kháng kháng sinh hiện nay rất đáng báo động. Đã có trường hợp nhìn bệnh nhân suy giảm sức khoẻ mỗi ngày mà bác sĩ cũng đành "bất lực" vì không còn thuốc đáp ứng.
Chính vì vậy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh việc quản lý kê đơn thuốc, nhất là kê đơn thuốc ngoài cộng đồng rất quan trọng.
Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp quản lý đơn thuốc một cách minh bạch. Trong đó, hệ thống quản lý thuốc kê đơn có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc. Những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn.
Ước tính, mỗi năm hệ thống này có thể lưu trữ tới 600 triệu đơn thuốc. Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, đến nay, mới chỉ có 200 triệu đơn thuốc được liên thông từ hơn 20.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 100.000 bác sĩ được cấp mã.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đề nghị cần giám sát việc bán thuốc điện tử theo quy định, đồng thời tuyên truyền tới người dân việc mua thuốc theo đơn.
Cũng tại Hội thảo, ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - hội nhập, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã chỉ ra nhiều điểm mới trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016. Trong đó, dự thảo có bổ sung một số loại hình và phương thức kinh doanh mới như cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc.
Việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử song song với kinh doanh truyền thống cũng sẽ được thực hiện qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến; ứng dụng thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến…