Tuy nhiên, gần đây tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 và Hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng thuộc Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng thương mại điện tử.
Các hình thức lừa đảo rất tinh vi, tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo.
Anh Quang Linh cư trú tại Cầu Giấy – Hà Nội là một trong những nạn nhân bị đối tượng lừa đảo sử dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản. Vào tháng 6/2021, anh Linh đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn thương mại điện tử với giá 800.000 đồng. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh, thì có một đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân để giao cho anh 1 đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị.
Do không biết việc này và tin tưởng rằng đây là đơn hàng của mình, nên anh Linh đã nhận hàng và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, anh Linh mới ngã ngửa khi phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức Anh Linh đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn thương mại điện tử và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.
Trường hợp bị lừa khi mua hàng trực tuyến diễn ra ngày càng phổ biến, một trường hợp khác bị lừa khi mua hàng qua mạng là chị Ngọc Mai trú tại Kim Ngưu – Hà Nội đã đặt mua sản phẩm thời trang trên Facebook. Sau khi bóc kiện hàng thì rơi vào hiện trạng dở khóc dở cười, món hàng nhận được khác xa với hình ảnh trên trang Facebook đã quảng cáo. Từ chất lượng đến kiểu dáng, kích thước quả là một trời một vực. chị Mai đã liên lạc với bên giao hàng và cửa hàng bán sản phẩm trên facebook đều không được hỗ trợ giải quyết. Cửa hàng đã tìm cách thoái thác, trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng.
Thực tế, còn nhiều nạn nhân đã mất tiền oan khi đặt mua hàng qua mạng. Tuy nhiên, hầu hết đều "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì tự thấy thiếu cẩn trọng khi kiểm tra thông tin người bán. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo trên internet vẫn có "đất sống".
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người mua không nên chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại người tiêu dùng.
Trước khi thực hiện giao dịch, cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng, có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các đánh giá (review) về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.
Người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định tại Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Cụ thể, kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường…
Cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.