Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã nhập siêu 1,47 tỉ USD, trái ngược so với con số xuất siêu 5,87 tỉ USD của cùng kỳ năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhập siêu tăng mạnh nhưng không đáng lo vì chủ yếu nhập nguyên vật liệu để sản xuất trong nước và các đơn hàng xuất khẩu đã kí.
Theo thống kê của Bộ Công thương trong 6 tháng đầu năm, nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) chiếm 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu với 139,3 tỉ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, sự phục hồi của các mặt hàng công nghiệp chế biến đã kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất của các ngành này tăng: Nhập bông tăng gần 26,9%, nhập xơ sợi dệt tăng 38,1%, nhập vải tăng 32,3%, nhập nguyên phụ liệu dệt may tăng 34,2%...
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với trên 45 tỷ USD hàng hoá xuất sang nước này, tăng hơn 43% so với cùng kỳ 2020. Kế đến là Trung Quốc đạt 24,6 tỷ USD, tăng trên 25%; thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%.
Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, gần 54 tỷ USD, tăng xấp xỉ 53,6% so với cùng kỳ 2020. Nhập khẩu từ Hàn Quốc hơn 25,2 tỷ USD, tăng 21,6%; thị trường ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 49%.
Kế hoạch xuất nhập khẩu ở nửa cuối năm nay vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, điểm tựa đáng lạc quan là hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản... và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, chu kỳ xuất khẩu thường sẽ tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm, vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại một số tỉnh thành phố xuất khẩu trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh và mới đây nhất là TPHCM đã ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực chế biến, chế tạo - nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.